Cho trò yêu chữ…

Giáp ranh thành phố nhưng người dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đến nay vẫn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống khó khăn nên việc chăm lo học hành cho con em còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các trường học trên địa bàn. Đối mặt với những khó khăn ấy, trường tiểu học Tượng Sơn đã có những sáng kiến mới, cho trò thêm yêu chữ. Trường luôn đứng trong top 5 trường dẫn đầu về học sinh giỏi (HSG) của huyện.

Giáo viên giàu sáng kiến

Sinh năm 1973, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, trường tiểu học Tượng Sơn đã có 20 gắn bó với trường học. 20 năm với bao khó khăn, thăng trầm. Nhưng cũng chính những điều đó đã hun đúc cho cô giáo những khát vọng cống hiến, những ý tưởng sáng tạo để làm nên những sáng kiến kinh nghiệm áp dụng hiệu quả cho dạy và học.

Cô Hiền giới thiệu sáng kiến bản đồ tự nhiên Việt Nam
Cô Hiền giới thiệu sáng kiến bản đồ tự nhiên Việt Nam

Cô Hiền kể, thời cô về nhận công tác tại trường, trường còn chung cơ sở với trường THCS. Từ đó đến nay, trường đã nhiều lần chia tách, thay đổi địa điểm. Và dù ở giai đoạn nào, cả thầy, cô và trò cũng đều rất khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên tất cả là tinh thần say mê dạy và học. Thầy, cô yêu nghề; trò cần con chữ.

Thấu hiểu điều đó nên cô giáo Hiền càng tha thiết muốn đóng góp được điều gì đó để làm vơi bớt những khó khăn của thầy, cô; cho trò say mê chữ hơn. Phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học do Bộ Giáo dục phát động năm 2008 xuất hiện trở thành một gợi ý cụ thể.

Cô Hiền chia sẻ: “Việc đưa Công nghệ Thông tin vào trường học là một chủ trương đúng đắn, cần thiết. Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong dạy và học cũng như trong công tác quản lý sẽ tạo ra một cụôc cách mạng mới”. Nghĩ và làm, cô Hiền bắt tay nghiên cứu và xây dựng “Phần mềm hỗ trợ chương trình dạy toán” áp dụng cho cấp Tiểu học.

“Phần mềm hỗ trợ dạy toán” hoàn thành có rất nhiều ưu điểm như thân thiện và dễ sử dụng; chỉ cần máy tính kết nối vào hệ thống mạng LAN thì chương trình có thể chia sẻ đến tất cả các máy tính trong cùng một hệ thống; có các hình minh hoạ vui nhộn, dễ thương giúp cho học sinh thấy thú vị trong học sinh; có thể thay đổi nội dung, chỉnh sửa một cách nhanh chóng; không yêu cầu về cấu hình máy tính, chỉ cần máy tính có kết nối chung với máy chủ. Đến nay, phần mềm của cô giáo Hiền đã được áp dụng cho nhà trường và được nhiều trường học khác ứng dụng.

Cô Đỗ Thị Minh Châu – Chủ nhiệm lớp 4A trường tiểu học Tượng Sơn cho biết: Ứng dụng phần mềm dạy Toán của cô Hiền không chỉ giáo viên giảm bớt được cường độ lao động mà còn kích thích được hứng thú chú ý bài giảng đối với học sinh. Chương trình rất dễ sử dụng và hiệu quả!

Cô Hiền còn sáng tạo ra Bản đồ tự nhiên Việt Nam (TNVN). Bản đồ này được thể hiện đầy đủ những ký hiệu về màu sắc, độ cao của núi, cao nguyên, đồng bằng…và được cắt rời thành 5 mảnh tương ứng với 5 khu vực địa lý. Phía sau mỗi mảnh được đính một hệ thống nam châm vững chắc để khi dính vào khung có sẵn bản đồ TNVN thì tạo thành một bản đồ nổi bật trên nền khung đó, nhằm giới thiệu, tạo bất ngờ lý thú trong quá trình học tập của các em. Bản đồ được thu nhỏ với tỷ lệ 0,78m x 1,5m.

Cô Hiền chia sẻ: Bản đồ Việt Nam thì nhiều, song bản đồ TNVH lại rất hiếm. Ở một số nhà trường được Bộ cấp phát, ở một số thư viện, nhà sách của tỉnh cũng có nhưng quá to. Hơn nữa, bản đồ này đều được làm bằng giấy, sau một thời gian sử dụng, cát giữ thường bị hỏng. Sáng tạo bản đồ TNVN này tôi đã cố gắng khắc phục những hạn chế đó, ngoài ra còn tạo hứng thú học tập cho các em. Tôi đã áp dụng kỹ thuật này vào các dạy lên lớp cũng như qua các tiết dạy chuyên đề do ngành tổ chức kết quả đạt khá cao. Dụng cụ này có thể dùng để dạy được rất nhiều bài trong chương trình tiểu học, THCS và có thể áp dụng để dạy trong chương trình THPT.

Ngoài ra, cô giáo Hiền còn sáng tạo ra phần mền giới thiệu “Đất và người Hà Tĩnh”, đã áp dụng vào giảng dạy nhà trường. Hiện cô còn thai nghén một sáng kiến mới. Cô Hiền tâm sự: “Đổi mới chương trình giáo dục hiện nay là lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn. Vì vậy, để học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, tự tìm tòi, quan sát và rút ra kết luận, đòi hỏi sử dụng thiết bị hiệu quả. Tôi cũng đang nghiên cứu một sáng kiến mới phục vụ cho đổi mới giáo dục, tiếp tục đi sâu vào mảng tự nhiên, xã hội và toán”.

Trường luôn đứng trong top đầu học sinh giỏi huyện

Theo thầy Nguyễn Công Đức – Hiệu trưởng trường tiểu học Tượng Sơn, để xây dựng trường vững mạnh, trước hết phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Mọi hoạt động của trường đều được đưa ra tập thể bàn bạc, thống nhất và đưa vào Nghị quyết triển khai thực hiện.

Giờ ra chơi của học sinh trường tiểu học Tượng Sơn
Giờ ra chơi của học sinh trường tiểu học Tượng Sơn

Biết phát huy dân chủ nên nhà trường đã tập hợp được lực lượng quần chúng thành một khối thống nhất, đoàn kết, đồng sức đồng lòng; sử dụng được trí tuệ tập thể để hoạch định kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó, nhà trường còn biết cách khai thác hợp lý thế mạnh của từng cá nhân bằng cách bố trí công việc.

Nhà trường đã tiến hành phân chia đội ngũ giáo viên theo nhóm trình độ. Đối với những giáo viên có năng lực, tâm huyết, giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Những giáo viên có khả năng chăm sóc trẻ tốt được chủ nhiệm lớp 1. Còn những giáo viên có năng khiếu sẽ được giao nhiệm vụ rèn chữ đẹp… Đồng thời, nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện giáo viên sáng kiến kinh nghiệm, ứng dụng vào giảng dạy để hấp dẫn, kích thích niềm đam mê học tập đối với học sinh. Nhờ vậy, nhà trường đã khẳng định được chất lượng dạy và học.

Lấy chất lượng dạy học làm “công cụ” tham mưu nên địa phương và nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Mặc dù còn khó khăn nhưng địa phương thường xuyên trích ngân sách đầu tư cho nhà trường và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Năm 2004, trường đạt chuẩn giai đoạn I và đến năm 2007 thì đạt chuẩn giai đoạn II. Từ đó đến nay, nhà trường luôn giữ vững và phát huy tốt các chuẩn quốc gia giai đoạn II.

Về chất lượng mũi nhọn, số lượng học sinh giỏi (HSG) cấp huyện, tỉnh ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nhiều năm liên tục, học sinh nhà trường đều giành vương miện thủ khoa các kỳ thi HSG. Điển hình như em Trần Thị Thu Hà, đạt thủ khoa trong hội thi “Rung chuông vàng” kỳ thi HSG huyện nămm học 2005-2006; em Nguyễn Thị Thu Dung, thủ khoa HSG huyện năm 2006-2007; em Đậu Thị Trâm, giải nhất HSG tỉnh năm học 2008-2009; em Trần Thị Phương Anh, giải nhất HSG tỉnh năm học 2009-2010; em Trần Lê Thị Thành, giải nhất HSG tỉnh năm học 2010-2011… Từ năm 2005 đến nay, trường luôn xếp trong top 5 trường dẫn đầu về HSG toàn huyện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast