Đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi

(Baohatinh.vn) - Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT về nội dung này.

- Xin ông cho biết những điểm mới trong phương án kỳ thi quốc gia năm 2015?

Kỳ thi quốc gia 2015 có nhiều điểm mới. Trước hết, đây là một kỳ thi duy nhất gọi là kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Năm 2015, kỳ thi sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6.

Đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi ảnh 1
Thí sinh làm bài thi môn Văn tại Hội đồng thi THPT Hàm Nghi (Hương Khê). Ảnh tư liệu.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý: thi tự luận, thời gian 180 phút; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng đề thi với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; bảo đảm các yêu cầu ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Việc coi thi, chấm thi tổ chức theo cụm. Bộ sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Căn cứ kết quả thi, Bộ sẽ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy chế…

- Ông đánh giá như thế nào về sự đổi mới này?

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 phương án và cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi rất đồng tình với phương án trên, bởi nó đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông. Kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục ĐH có thể tuyển chọn những thí sinh có học lực phù hợp với các ngành đào tạo. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, phương án được lựa chọn sẽ bảo đảm việc đánh giá khách quan nhất, đáp ứng hai mục tiêu: công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đặc biệt, những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đây sẽ được áp dụng để tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì.

- Sở GD&ĐT sẽ triển khai phổ biến nội dung phương án kỳ thi quốc gia như thế nào, thưa ông?

Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức quán triệt sâu rộng trong toàn ngành về những đổi mới trong kỳ thi quốc gia, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân cũng như các bậc phụ huynh hiểu rõ những điểm mới, tính ưu việt của kỳ thi chung này. Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc định hướng công tác giảng dạy, ôn tập kiến thức cho học sinh, chuẩn bị hành trang vững chắc để các em tự tin bước vào kỳ thi mới.

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast