Đừng tước mất quyền học tập của con trẻ!

(Baohatinh.vn) - Như Báo Hà Tĩnh đã thông tin, từ tháng 8/2014, do không đồng tình với việc sáp nhập trường THCS Hương Bình vào trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng, một số phụ huynh ở xã Hương Bình (Hương Khê) đã tụ tập trước cổng trường để phản đối. Không dừng lại ở đó, không ít phụ huynh còn tiếp tục gây sức ép lên chính quyền bằng việc không cho con em đang học bậc mầm non, tiểu học ở Hương Bình đến trường.

Đừng tước mất quyền học tập của con trẻ! ảnh 1
Trẻ em có quyền được đi học. Ảnh chụp tại Trường THCS Phúc Đồng (Hương Khê)

Buổi lễ khai giảng năm học mới tại trường Mầm non và Tiểu học Hương Bình diễn ra trong không khí khá trầm lắng bởi hàng trăm học sinh không được phụ sinh cho đến trường. Theo số liệu thống kê từ phòng GD-ĐT huyện Hương Khê, đến sáng 9/9, đã có 37/215 học sinh bậc mầm non, 27/255 học sinh bậc tiểu học và 43/246 em bậc THCS đến trường. Con số học sinh đến trường đang tăng dần lên từng ngày, song số lượng vẫn còn rất ít.

Một phụ huynh ở xã Hương Bình (xin giấu tên) chia sẻ: “Ngày xưa, đi học xa hàng chục cây số, đường trèo đèo lội suối, phải đốt đuốc soi đường mà chúng tôi còn theo học đến nơi. Giờ đi học, giao thông đi lại thuận lợi, điều kiện học cũng tốt hơn nên không có lý do gì để con em không đi học. Chủ trương sáp nhập trường của tỉnh là đúng đắn nên dù có học trường nào chị cũng cho con đi, không thể để con thất học”.

Nhập học tại trường mới, một học sinh (xin giấu tên) vui vẻ: “Năm học này, em chuyển từ trường THCS Hương Bình xuống trường THCS Phúc Đồng học. Các bạn ở trường mới rất thân thiện, chơi với em vui vẻ. Thầy cô quan tâm, tận tình chỉ bảo nên em rất vui. Kể chuyện học tập ở trường mới, các bạn cùng trang lứa rất vui, nhiều bạn cùng trường cũng chia sẻ với em rằng các bạn cũng muốn đi học nhưng do bố mẹ không đồng ý”.

Được học tập là quyền quan trọng của con người, đặc biệt là trẻ em, điều này đã được Hiến pháp và luật nước ta quy định. Vì thế, việc cấm con em từ bậc MN đến TH và THCS đến trường của không ít phụ huynh ở Hương Bình đã và đang làm là trái với pháp luật. Chị Thái Thị Hoa Lợi – Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Khê cho biết: “Việc phụ huynh ngăn cấm con em đến trường là việc làm vi phạm Luật BVCS&GD Trẻ em năm 2004. Cụ thể ở khoản 8, điều 7 của Luật quy định, nghiêm cấm các hành vi trong đó có hành vi “cản trở việc học tập của trẻ em”; khoản 1, điều 28 cũng chỉ rõ “Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn”.

Sáp nhập trường là chủ trương lớn nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế tại các trường nhằm tránh lãng phí trong bố trí các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, từ đó tạo điều kiện tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Điều này các địa phương ở Hà Tĩnh đã tiến hành từ lâu, trong đó có những huyện còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, địa bàn các xã Hương Bình, Hòa Hải chưa phải là địa bàn vùng sâu vùng xa của Hương Khê. Không đồng thuận với việc sáp nhập trường THCS bằng việc ngăn cản con em ở bậc học khác đến trường, tìm cách phản đối chủ trương của tỉnh và huyện, dù vô tình hay cố ý, phụ huynh Hương Bình cũng đang tước đi quyền lợi của chính con em mình.

Dẫu biết rằng, việc thay đổi môi trường học và có thể đoạn đường đến trường xa thêm vài cây số so với điểm trường cũ nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh, nhưng so với niềm vui được khoác lên mình màu đồng phục tinh khôi, được gặp thầy gặp bạn, được tiếp nhận những kiến thức mới, bổ ích thì đó chỉ là những khó khăn nhỏ có thể nhanh chóng khắc phục.

Mỗi một ngày chậm đến trường là một ngày con em chậm kiến thức. Đặc biệt, với bậc tiểu học, khi năm học này áp dụng đại trà dạy Tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục. Những buổi học ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết với các em học sinh. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh hãy là người thắp lên niềm tin và tương lai cho chính con em mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast