Giáo dục mầm non ngoài công lập (bài 2): Cần cơ chế quản lý chặt chẽ

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh những hiệu quả thiết thực thì các trường mầm non tư thục, nhà trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ gia đình trong quá trình phát triển vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, khiến các bậc phụ huynh, các cấp quản lý không khỏi lo lắng.

Khó khăn và bất cập

Như đã đề cập, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn Hà Tĩnh đã góp phần lớn trong việc giảm tải cho các trường công. Thậm chí, Hiệu trưởng Trường Mầm non tự thục Trung Kiên (Hương Khê) còn cho rằng, chất lượng đào tạo của trường không hề thua kém bất kỳ trường mầm non nào trên địa bàn.

Với chi phí đầu tư xây dựng ban đầu trên 40 tỷ đồng, hiện trường có 100% giáo viên (GV) đạt chuẩn, trong đó, 50% trên chuẩn. Cơ sở vật chất thậm chí nhỉnh hơn nhiều trường công lập khác. Cùng với đó, trường có nhiều chính sách ưu tiên cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi sẽ được miễn hoàn toàn học phí…

Giáo dục mầm non ngoài công lập (bài 2): Cần cơ chế quản lý chặt chẽ ảnh 1

Học phí cao là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh e ngại khi đưa con đến học tại mầm non tư thục

Để tạo được niềm tin đối với người dân và có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống giáo dục mầm non thì các cơ sở mầm non tư thục cần khắc phục những tồn tại, hạn chế. Cô Hồ Thị Mỹ Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du thẳng thắn chia sẻ: Trước đây, tình trạng “nhảy” việc của GV mầm non tư thục xảy ra khá nhiều. Nếu tìm được việc làm mới tốt hơn, họ sẵn sàng nghỉ việc, bởi sự ràng buộc giữa GV và nhà trường khá lỏng lẻo, thậm chí, có trường hợp nghỉ việc mà không thông báo. Điều này đòi hỏi phải có sự ràng buộc chặt chẽ hơn giữa nhà trường và GV, đặc biệt là GV đứng lớp, tránh trường hợp GV nghỉ khi trường chưa tìm được người thay thế, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và chăm sóc trẻ.

Thực tế, cái khó nhất trong công tác quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập là việc quản lý các nhóm trẻ gia đình. Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh - Trần Thị Thúy Nga cho rằng, cơ sở vật chất ở các nhóm trẻ gia đình và nhà trẻ như Sao Mai, giáo xứ An Nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Phòng học được cải tạo từ nhà ở, trang thiết bị còn thiếu thốn; diện tích khuôn viên chật hẹp; chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước; trang trí nhóm, lớp chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non.

Trước đây, các nhóm trẻ gia đình hầu như tự phát, chưa đủ các điều kiện để thành lập. Các chủ nhóm trẻ gia đình chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đảm bảo an toàn là chính. GV hợp đồng không ổn định, chưa được đóng bảo hiểm và hưởng các quyền lợi khác, nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ngoài ra, việc thực hiện nền nếp, quy chế chuyên môn chưa được thường xuyên, chưa tách trẻ theo từng độ tuổi; trang trí, xây dựng môi trường giáo dục chưa đúng với quy định.

Khi đến nhóm trẻ độc lập Bình Minh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh), bà Nguyễn Thị Bình - chủ nhóm trẻ cho hay, nhóm trẻ có một GV phụ trách nhưng hôm nay nghỉ ốm nên bà cùng với 1 người nhà tự chăm sóc 13 cháu. Bà nói thêm: “Nhóm trẻ Bình Minh được các cơ quan chức năng kiểm tra liên tục, dù còn thiếu thốn nhưng đã đảm bảo yêu cầu tối thiểu trong chăm sóc và niooi dạy trẻ. Thỉnh thoảng, tôi được tập huấn chăm sóc trẻ trong thời gian 1-2 ngày, chưa được tham gia đợt tập huấn dài ngày nào”.

Nâng “tầm” nhóm trẻ gia đình

Thực tế cho thấy, các nhóm trẻ gia đình không có tính ổn định lâu dài, chủ yếu theo thời vụ khi phụ huynh có nhu cầu. Vì vậy, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ khó đáp ứng yêu cầu. Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh - Trần Thị Thúy Nga cho biết, UBND thành phố Hà Tĩnh đã chỉ đạo các xã, phường rà soát và chấn chỉnh theo sự hướng dẫn cụ thể của phòng GD&ĐT về điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình cấp giấy phép hoạt động của nhóm trẻ độc lập tư thục. Đến nay, thành phố có 19 nhóm trẻ gia đình đủ điều kiện, được cấp giấy phép hoạt động. Phòng cũng đã tiến hành kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề và đột xuất đối với cả các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình; đồng thời, chỉ đạo các trường mầm non công lập chịu trách nhiệm tư vấn, giúp đỡ về chuyên môn, hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, so với các quy định thì nhiều nhóm trẻ gia đình trên địa bàn chưa đạt các tiêu chuẩn về trình độ quản lý, chăm sóc, có nơi không có giáo án. Thậm chí, còn tồn tại một số nhóm trẻ hoạt động không phép nhưng chưa được phát hiện, xử lý. Có trường hợp tại xã Kỳ Long (Kỳ Anh), dù phòng GD&ĐT đánh giá nhóm trẻ mầm non trên địa bàn xã đủ điều kiện hoạt động, nhưng UBND xã vẫn không chịu cấp phép do sợ phải chịu trách nhiệm liên đới. Những điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý chung của ngành.

“Trước mắt, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục siết chặt quản lý và phối hợp với UBND các huyện, xã, các cơ sở y tế kiểm tra, đánh giá điều kiện hoạt động của các nhóm trẻ gia đình; đồng thời, sẽ có giải pháp nâng cao năng lực cho người hoạt động trong các nhóm trẻ. Sớm nhất, đến năm 2016, mới giải quyết triệt để những khó khăn này” – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Hải Lý cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast