Học sinh, sinh viên mỏi mòn chờ miễn, giảm học phí

(Baohatinh.vn) - Hơn 1 năm qua kể từ khi Nghị định 74 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chính thức có hiệu lực (1/9/2013), nhưng đến nay, hàng vạn học sinh, sinh viên (HS-SV) thuộc đối tượng miễn, giảm vẫn đang mỏi mòn chờ đợi nhận lại tiền học phí. Thậm chí, nhiều em đã tốt nghiệp, có việc làm nhưng tiền miễn, giảm vẫn chưa được nhận lại.

Chậm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 74/NĐ-CP

Theo Nghị định 74, kể từ năm học 2013-2014, sẽ có thêm 3 đối tượng được miễn học phí gồm: SV học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; HS-SV, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh; HS-SV người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Học sinh, sinh viên mỏi mòn chờ miễn, giảm học phí ảnh 1
Nhiều sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh thuộc đối tượng miễn giảm đang mong chờ được truy lĩnh tiền học phí.

Cùng đó là chính sách miễn giảm học phí đối với người dân tộc thiểu số và HS-SV các ngành xiếc, múa cũng được áp dụng. Đặc biệt, thay vì phải về địa phương nhận lại học phí như Nghị định 49, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục. Do đó, đối tượng ở bậc đại học sẽ được miễn, giảm trực tiếp tại trường, thay vì phải nộp học phí rồi về địa phương để nhận lại như trước đây.

Những điều sửa đổi trong Nghị định 74 đã mang lại niềm phấn khởi cho SV và các bậc phụ huynh thuộc các đối tượng được miễn, giảm. Bởi trước đây, việc nhận lại học phí tại địa phương thông qua ngành LĐ-TB&XH đã gây nhiều khó khăn, rườm rà và chậm trễ cho các đối tượng chính sách. Nay nhận lại học phí tại trường, kỳ vọng sẽ giải quyết nhanh chóng, chính xác chế độ cho đối tượng chính sách.

Tuy vậy, niềm vui chưa được bao lâu thì những SV trên địa bàn tỉnh ta lại thất vọng khi thủ tục đã làm hơn 1 năm mà vẫn chưa được nhận lại học phí. Em Nguyễn Thị N. - SV năm cuối khoa Kinh tế (Đại học Hà Tĩnh) cho biết: “Em thuộc đối tượng con thương binh. Đầu năm, thấy nhà trường thông báo làm thủ tục miễn giảm học phí, em làm xong nhưng đến nay vẫn chưa được nhận lại. Hỏi nhà trường thì được biết đang chờ văn bản hướng dẫn”.

Còn đối với Đào Trọng L. - khoa CN-TT (Đại học Hà Tĩnh), dù đã ra trường, tìm được việc làm nhưng đến nay em vẫn chưa nhận lại được học phí miễn giảm. Đó cũng là tình cảnh chung của 925 SV thuộc đối tượng miễn, giảm học phí theo Nghị định 74 của Đại học Hà Tĩnh.

Theo thầy Ngô Tất Đạt - Trưởng phòng Công tác HS-SV (Đại học Hà Tĩnh) thì trong số 925 SV được miễn, giảm, không ít em đã ra trường, nếu sau này có tiền miễn, giảm, các em phải quay lại trường để nhận. Điều này sẽ gây khó khăn cho các em.

Qua tìm hiểu được biết, một trong những nguyên nhân mà đến nay SV chưa được nhận lại tiền miễn, giảm học phí là do thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định ra đời chậm. “Sau khi các SV thuộc diện miễn giảm, làm hồ sơ, trường xét duyệt và gửi Sở Tài chính để thẩm định. Tuy nhiên, do khi đó chưa có thông tư hướng dẫn nên không thể triển khai tiếp. Đến 30/5/2014, khi thông tư hướng dẫn ra đời lại phải chờ nguồn” - thầy Ngô Tất Đạt lý giải.

Tuy nhiên, sau khi có Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của liên Bộ GD&ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định 74 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49 thì việc triển khai vẫn còn chậm trễ.

Trao đổi với PV, ông Phan Đăng Tuấn, Trưởng phòng Hành chính - Sự nghiệp, Sở Tài chính cho biết: “Do thông tư ra đời quá chậm nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Sau khi có thông tư hướng dẫn, Sở Tài chính đã cùng Sở GD&ĐT xây dựng hướng dẫn liên ngành giữa Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH. Hiện nay, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính đã hoàn thành và đang chờ Sở LĐ-TB&XH thông qua”.

Như vậy, HS-SV thuộc đối tượng miễn, giảm học phí phải tiếp tục chờ để nhận lại khoản tiền mà lẽ ra họ đã được nhận từ lâu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast