
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc
trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" ở Hà Tĩnh
Điểm nổi bật trước hết là, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mà lực lượng nòng cốt là các ngành GD&ĐT, VHTT&DL, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học để tập trung xây dựng thành công nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia. Đây là mũi đột phá có ý nghĩa tiên quyết, bao trùm, là kim chỉ nam của phong trào THTT-HSTC cực; trường chuẩn Quốc gia đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của mọi tầng lớp trong xã hội; nhân dân hoàn toàn đồng thuận và yên tâm gửi con em vào những môi trường giáo dục thân thiện, tích cực. Đó là những trường đáp ứng tốt yêu cầu về cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của học tập và rèn luyện, vui chơi, giải trí... Đến nay, toàn tỉnh có 499 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 72 trường so với trước khi có phong trào trường học thân thiện; trong đó Mầm non, 99 trường đạt 35,4%; Tiểu học 294 trường, đạt 95,1%; THCS 95 trường, đạt 48,9%; THPT 11 trường, đạt 23,9%; so với cả nước, Hà Tĩnh đã sớm quan tâm đến nội dung an toàn trường học; ngành đã chủ động tham mưu Đề án Xây dựng Trường học an toàn, được HĐND tỉnh phê duyệt vào năm 2006; hệ thống trường đạt chuẩn tăng mạnh và có thuyết phục lớn là những hình ảnh đẹp trở thành điểm sáng về xã hội hoá, từng thu hút giáo dục các tỉnh về tham quan học tập.
Thứ hai là, thường xuyên chú trọng công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL. Đến nay, đội ngũ không ngừng được nâng lên về mọi mặt; đáp ứng yêu cầu biết thân thiện trong dạy học; luôn cập nhật tri thức khoa học, trình độ nghiệp vụ, nâng cao tay nghề để áp dụng phương pháp dạy học tích cực, khơi gợi tình cảm, hứng thú, sự chủ động tìm tòi, sáng tạo cho học sinh. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các ngành học, bậc học tăng trên 10% so với năm học 2007 - 2008; cụ thể, trình độ đạt chuẩn toàn ngành là trên 98%; trong đó, trên chuẩn của Mầm non 30%; Tiểu học 70,2%; THCS là 45% và THPT: là gần 10%.
Thứ ba, thu hút, tiếp nhận hầu hết trẻ em trong độ tuổi quy định đến trường; củng cố và phát huy tốt thành quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS, đẩy mạnh phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, triển khai phổ cấp giáo dục THPT phù hợp; quan tâm tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng về quyền lợi học tập cho thanh, thiếu niên, không có sự phân biệt về mọi mặt, kể cả trẻ khuyết tật ... Hà Tĩnh có số học sinh bỏ học thấp nhất 6 tỉnh bắc Trung bộ; tỉ lệ học sinh khuyết tật được hoà nhập là 72,8%; kết hợp với Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã mở 377 lớp phụ đạo cho 3.915 học sinh học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn; vận động được 103 học sinh bỏ học trở lại trường; trao học bổng cho học sinh học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 76.885.000đ...

Trường Mai Thúc Loan (Thạch Hà) sau 8 năm thành lập. Ảnh: Thanh Bình
Thứ tư là, quán triệt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, mỗi giờ học, mỗi ngày học là một nguồn hứng thú mới, khơi gợi cho học sinh khát vọng được khám phá, Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo: phối hợp tổ chức cuộc thi "Rạng rỡ Hồng Lam" trên sóng truyền hình tỉnh; đã phát được 15 số với sự tham gia của học sinh 28 trường THPT và 16 trường THCS; kiến thức để chơi mà học, học mà chơi, để rèn kỷ năng sống của chương trình khá toàn diện; phối hợp xây dựng và phát sóng trực tiếp 03 chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam"; sau chương trình thí điểm, đã có trên 80% các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh tổ chức Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam. Các làm trên đã góp phần bồi dưỡng tình quê hương đất nước mặn nồng, khích lệ động viên tuổi trẻ học tập rèn luyện; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu; mang lại nhiều hiểu biết bổ ích về các môn khoa học tự nhiên, xã hội, nghệ thuật, thể thao; góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc một vùng quê gắn liền với những phong tục, lễ hội đậm sắc màu truyền thống.
Thứ năm là, đẩy mạnh việc đưa trò chơi dân gian, hát dân ca vào nhà trường rất hiệu quả. Đầu các năm học, phối hợp chặt chẽ với các cấp bộ Đoàn, tập huấn 01 tuần cho các Tổng Phụ trách Đội về nghiệp vụ tổ chức trò chơi dân gian và hát dân ca; từ Tổng Phụ trách, triển khai xuống tận tất cả các giáo viên chủ nhiệm; quan niệm của Hà Tĩnh là để giúp học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì giáo viên phải hiểu, phải biết chơi và biết cách tổ chức trò chơi trước đã. Hà Tĩnh cũng là đơn vị dẫn đầu cụm cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay, là tỉnh có thành tích cao về Giải toán qua mạng của Bộ... Thông qua các hoạt động tập thể và các cuộc thi, đã giáo dục cho học sinh tinh thần nhân văn, xây dựng thái độ và hành vi ứng xử có văn hoá; biết nhiều điều cơ bản về kỹ năng sống; biết công nghệ thông tin hiện đại, biết duy trì thói quen rèn luyện thân thể để chăm sóc bản thân, biết sống khoẻ mạnh, an toàn. Từ đây, một số mô hình tiêu biểu đã lần lượt xuất hiện, thu hút nhiều học sinh, giáo viên và cả người dân tham gia như: Câu lạc bộ Bơi trẻ ở THCS Cẩm Trang; Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm; Dạy hát dân ca trên sóng truyền hình; trường Tiểu học Bắc Hồng đã hoàn thiện đề án Xây dựng Bể bơi trong trường Tiểu học với tổng số vốn là 586 triệu đồng; cuộc thi chung kết cấp tỉnh Tiếng hát Dân ca Giáo viên và Học sinh Tiểu học tổ chức vào tháng 3 năm 2010 thực sự đã làm sống lại giá trị đích thực của những câu hò, điệu ví và trò diễn dân gian, thu hút đông đảo cán bộ giáo viên, học sinh tham gia; Hôi thi Giai điệu tuổi hồng toàn quốc do Bộ tổ chức tại Hà Nội vào năm 2009, chương trình dự thi mang đậm âm hưởng dân ca của học sinh THPT Phan Đình Phùng đã dành 04 Huy chương Vàng và xếp thứ Nhì toàn quốc...
Thứ sáu là, Hà Tĩnh rất đỗi tự hào là quê hương của Phong trào Xô viết Anh hùng, của Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào huyền thoại; quê hương Đại thi hào - Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du; quê hương của hai Tổng Bí thư Đồng chí Trần Phú và Hà Huy Tập và của rất nhiều con người danh tiếng khác... Hai năm qua, ngành đã biên soạn 02 tài liệu và tổ chức bồi dưỡng chu kỳ 3, 4 phần Địa phương học về nội dung Văn hoá và Danh nhân Hà Tĩnh cho cán bộ, giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Theo đó, phối hợp với ngành VHTT&DL chỉ đạo các nhà trường ký cam kết và nhận chăm sóc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử, các di tích, danh thắng như Nghĩa trang liệt sỹ, Nhà thờ, Khu Lưu niệm, Khu mộ của các danh nhân... Đến nay, đã có 72 di tích cấp Quốc gia và 151 di tích cấp Tỉnh được các trường chăm sóc; trước nhất là những ngôi trường được vinh dự mang tên danh nhân quê hương... Đặc biệt, việc nhận chăm sóc, bảo tồn, phát triển Khu Di tích từ khi có phong trào THTT-HSTC và sự kiện Cắt băng Khánh thành Cụm tượng10 nữ TNXP tại Ngã Ba Đồng Lộc vào ngày 19/8/2010 của Bộ GD-ĐT là một nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, có sức lan toả rộng khắp và có khả năng biểu đạt rất cao về sự tri ân của tuổi trẻ cả nước đối với bao xương máu để làm nên một Đồng Lộc anh hùng.
Sau hai năm thực hiện phong trào THTT-HSTC, Giáo dục Hà Tỉnh tiếp tục được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục đại trà ngày thêm vững chắc, chất lượng mũi nhọn tiếp tục giữ vững và phát triển. Năm học: 2008 - 2009 và 2009 - 2010 số học sinh đạt Học sinh giỏi Quốc gia Lớp 12 đạt 76% và 81% trên tổng số học sinh dự thi hằng năm; số trúng tuyển vào ĐH, CĐ từ 5.678 năm 2007 và 7.720 năm 2008 đã lên 12.510 em năm 2009; năm 2010 được xếp thứ 18/63 tỉnh thành trong toàn quốc; việc đánh giá chất lượng đã được chú trọng với việc đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy, học, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và các cuộc vận động khác của Bộ, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, bước đầu thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng và ba công khai trong giáo dục... Giáo dục Hà Tĩnh là lĩnh vực nổi trội nhất trong Phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tặng Cờ TĐXS.