Thành lập Đại học Fulbright Việt Nam

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam, tên tiếng Anh là Fulbright University Vietnam, viết tắt là FUV.

thanh lap dai hoc fulbright viet nam

Ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard cùng cộng sự nhận giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: TTXVN

Đại học Fulbright Việt Nam là cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động không vì lợi nhuận. Trường có trụ sở tại TP HCM, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự quản lý Nhà nước về lãnh thổ của UBND TP HCM.

Trước đó vào tháng 7/2015, nhân chuyến thăm chính thức Mỹ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Đại học Fulbright Việt Nam tại New York. "Tôi rất tán thành quan điểm của các bạn, rằng phát triển FUV là vì con người, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nếu làm tốt dự án này chúng ta góp phần tăng cường khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ", Tổng bí thư nói.

Ông Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ TUIV, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard cho biết FUV sẽ hoạt động theo các nguyên tắc quản trị thiết yếu của nền giáo dục ưu tú, đó là minh bạch và trách nhiệm giải trình, tự chủ, trọng dụng nhân tài, tôn trọng lẫn nhau và giảng dạy gợi mở.

Theo kế hoạch, trong 5 năm đầu tiên, trường sẽ tập trung xây dựng ba cơ sở đào tạo tích hợp: Trường Quản lý và Chính sách công Fulbright (đào tạo sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, luật, tài chính và quản lý, các nghiên cứu và đối thoại chính sách); Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Fulbright (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học ứng dụng, toán học và khoa học máy tính); Đại học Fulbright (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn).

Trong Tuyên bố chung về tầm nhìn Việt - Mỹ ngày 1/7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã cùng ghi nhận nỗ lực thúc đẩy hợp tác giáo dục của hai nước thông qua sáng kiến FUV.

Hồi tháng 6/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương đầu tư dự án FUV. Tháng 12/2014, Quốc hội Mỹ phê chuẩn thành luật cho phép chính phủ Mỹ tài trợ khoảng 20 triệu USD cho dự án FUV trong giai đoạn đầu tiên.

Theo VnExpress

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast