Trọn vẹn tình yêu với nghiệp trồng người

(Baohatinh.vn) - Đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Nhà giáo ưu tú Trần Nguyên Trực - Chủ tịch Hội Khuyến học Kỳ Anh vẫn dành trọn tình yêu, bầu nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Rời bục giảng và công tác quản lý, thầy lại miệt mài với công tác huy động quỹ để những học sinh (HS) nghèo hiếu học có thêm cơ hội, động lực viết tiếp ước mơ của mình.

Trọn vẹn tình yêu với nghiệp trồng người ảnh 1
Thời gian làm mái tóc pha sương, bước chân yếu dần, nhưng Nhà giáo ưu tú Trần Nguyên Trực vẫn dành trọn bầu nhiệt huyết cho sự nghiệp trồng người

Gần 55 năm trước, với bầu nhiệt huyết của tuổi 19, thầy Trực đã về với những em nhỏ còn “đói” chữ ở Trường THCS Kỳ Trinh (Kỳ Anh). Ngày ấy, trường vừa mới thành lập còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn; lớp học chỉ là những lán nhỏ được dựng tạm xen lẫn với nhà dân. Những năm tháng ấy, điều người giáo viên quan tâm không chỉ là chăm lo dạy chữ, rèn người mà còn là sự an toàn của HS. Do đó, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, thầy lại tranh thủ vác tre, trát vách, dựng lán, đào hầm chống bom làm nơi trú ẩn cho HS và giúp bà con lao động sản xuất.

Trong khói lửa chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh, nhưng sự hiếu học của các em và tấm lòng yêu thương của nhân dân là động lực để thầy giáo trẻ Trần Nguyên Trực luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1968, thầy Trực được điều về làm Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh. Hai năm sau, thầy được đề bạt làm trưởng phòng. Nhớ lại những ngày tháng sôi động ấy, thầy cho biết: “Tôi rất vui khi được cấp trên, bạn bè đồng nghiệp tín nhiệm, nhưng bên cạnh niềm vui là nỗi lo âu bởi vị trí càng cao thì trọng trách càng lớn và dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.

Vì thế, năm 1971, ngay sau khi có cuộc vận động học tập và làm theo điển hình giáo dục Cẩm Bình, Bắc Lý, Hòa Bình, thầy đã tập trung nghiên cứu đặc điểm tình hình của địa phương để đề ra nhiều cách làm hay, sáng tạo và phù hợp. Chỉ trong thời gian ngắn, phong trào “Nhân Cẩm Bình” đã mang đến cho giáo dục Kỳ Anh lúc bấy giờ sự thay đổi toàn diện. Đến năm 1975, 10 xã đã được UBND tỉnh công nhận là “Xã có phong trào phát triển giáo dục toàn diện theo kiểu Cẩm Bình”.

32 năm là trưởng phòng giáo dục, Nhà giáo ưu tú Trần Nguyên Trực đã ghi đậm dấu ấn của mình không chỉ bằng hình ảnh một người thầy, một nhà quản lý tâm huyết, mẫu mực, dám nghĩ, dám làm, mà còn bằng chất lượng giáo dục toàn diện, những thành tích đáng tự hào của ngành GD-ĐT huyện Kỳ Anh (cũ).

Giờ đây, nghỉ hưu đã gần 13 năm, cũng ngần ấy thời gian thầy làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, dù sức khỏe giảm sút nhưng thầy vẫn hăng say với công tác khuyến học, tích cực phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường và thực hiện các hoạt động gây quỹ.

Ngoài việc vận động hội viên, gia đình, dòng họ đóng góp gây quỹ, thầy còn trực tiếp vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn hỗ trợ hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2014, hội đã trao trên 18.000 suất với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Thời gian có thể làm mái tóc pha sương, bước chân yếu dần, nhưng với Nhà giáo ưu tú Trần Nguyên Trực, trái tim giàu nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người vẫn xanh mãi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast