Vì sao học sinh THCS bỏ học gia tăng?

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 483 học sinh bỏ học, trong đó: bậc tiểu học 5 em (chiếm 0,003%), THCS 285 em (chiếm 0,44%), THPT 193 em (chiếm 0,47%). So với năm học trước, số học sinh bỏ học tăng 101 em và chủ yếu tập trung ở bậc THCS.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu vẫn là lý do hoàn cảnh gia đình, học lực yếu và một phần do xa trường, đường sá đi lại khó khăn.

Về vấn đề này nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Hào – Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “So với tổng số gần 300 ngàn học sinh trên địa bàn toàn tỉnh thì số học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ không đáng kể. Không riêng gì ở tinh ta mà hầu hết ở các nơi, tình trạng một số ít học sinh bỏ học vào đầu năm là điều không thể tránh khỏi. Và theo đánh giá chung của cả nước thì Hà Tĩnh là một trong những tỉnh duy trì tốt sỹ số học sinh”.

Môi trường học tập thân thiện là một trong những lý do góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học
Môi trường học tập thân thiện là một trong những lý do góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học

Thực tế cho thấy, với nỗ lực trong các hoạt động phổ cập giáo dục, việc thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của ngành, đặc biệt là xây dựng kỷ cương nề nếp các trường học, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thông qua việc huy động nội lực từ các hoạt động xã hội hoá nên các nhà trường từ miền núi, vùng sâu vùng xa đến thành phố đều không ngừng củng cố CSVC trường lớp, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo không khí hấp dẫn để mỗi ngày đến trường của các em thực sự là những ngày vui.

Ngoài ra, đối với ngành giáo dục tỉnh, việc chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp duy trì sỹ số học sinh, vận động các em bỏ học trở lại trường đã trở thành hoạt động thường niên xuyên suốt quá trình mỗi năm học. Chính vì thế, dù là tỉnh nghèo lại phải thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, thế nhưng chất lượng giáo dục ở Hà Tĩnh vẫn luôn là điểm đáng tự hào và số lượng học sinh vẫn luôn giữ ở mức ổn định.

Đối với huyện Kỳ Anh, một trong những địa phương trước đây có tỷ lệ học sinh bỏ học cao thì đến thời điểm hiện tại, vấn đề này ngày càng được cải thiện. Theo thống kê của Phòng giáo dục huyện, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 60 học sinh bỏ học (chiếm 0,62%), chủ yếu tập trung ở bậc THCS. Học sinh bỏ học chủ yếu vẫn là do tình trạng sức khoẻ , một phần do yêu cầu của gia đình và phần còn lại chủ yếu là do học lực của các em quá yếu, không theo kịp bạn bè.

Thầy Nguyễn Hữu Sum - Q. Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, số lượng học sinh bỏ học của yếu vẫn tập trung ở những vùng xa trung tâm. Tuy nhiên, so với những năm trước đây, năm nay tình trạng học sinh bỏ học ở Kỳ Anh đã giảm hơn so với trước. Để hạn chế tình trạng này chúng tôi cũng đã đến từng gia đình, tìm hiểu hoàn cảnh vận động mua sách vở, có chính sách miễm giảm cho những em gia đình nghèo. Nhưng đối với những em sức khoẻ không cho phép, hay học lực quá kém, bản thân các em và gia đình cùng có nguyện vọng xin nghỉ học thì chúng tôi cũng đành chịu vậy”.

Dù đã nỗ lực trong các hoạt động tạo môi trường, tuyên truyền vận động nhưng thực tế cho thấy số học sinh bỏ học ở một số nơi, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn đang là điều bất khả kháng. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, đến thời điểm hiện tại số học sinh bỏ học ở các huyện miền núi Hương Khê là 36 em, Nghi Xuân 34 em, Can Lộc 34 em, Thạch Hà 31 em, Hương Sơn 20 em.

Thầy Dư Lý Trí - Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho biết: “Qua điều tra thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học năm nay chủ yếu vẫn là do học lực yếu kém không thể theo kịp chương trình và bản thân các em cũng không tìm thấy niềm vui trong học tập, phần còn lại do hoàn cảnh khó khăn. Ở bậc THCS có 285 em bỏ học thì trong đó 158 em do học lực yếu kém, 111 em do hoàn cảnh quá khó khăn...Cụ thể ở Nghi Xuân có 24/34 trường hợp; ở Hương Khê có 19/36 em, Lộc Hà 19/27, Thạch Hà 17/31 học sinh bỏ học đều do học lực yếu kém”.

Ở bậc THPT, năm nay, toàn tỉnh có 193 em bỏ học (chủ yếu tập trung ở địa bàn các huyện Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, Hương Sơn...). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu vẫn là do học lực và hoàn cảnh. Tuy nhiên, việc học của các em vẫn có thể tiếp diễn bởi việc phân luồng cho học sinh được thực hiện tại các nhà trường không chỉ góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra hướng đi mới, phù hợp cho những học sinh có học lực trung bình hoặc yếu.

Bên cạnh đó là sự định hướng của các gia đình cho các em vào tập sự nghề tại các cơ sở dạy nghề tư nhân, các xí nghiệp, trang trại sản xuất khắp cả nước. Thay vì các chương trình học tập quá khả năng của các em ở các nhà trường, việc học tập ở các trung tâm đào tạo nghề, vừa học vừa làm cũng đã không chỉ góp phần bồi bổ kiến thức văn hoá mà còn đào tạo và rèn luyện để các em có được nghề phù hợp cho việc mưu sinh sau này. Đó cũng là một trong những yếu tố để góp phần duy trì, ổn định sỹ số học sinh tại các trường học .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast