Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu và giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Hà Văn Tấn và giáo sư Phan Huy Lê (từ trái qua phải). (Ảnh: TS Nguyễn Thị Hậu)
Giáo sư - nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn không chỉ là một kho tri thức đồ sộ mà còn là tấm gương lớn về tinh thần tự học. Đó là ấn tượng của nhiều nhà khoa học, thế hệ học trò về một trong “tứ trụ” của giới sử học Việt Nam.
Ông qua đời tối 27/11 tại Hà Nội. Sự ra đi của giáo sư Hà Văn Tấn không chỉ khiến giới nghiên cứu, các đồng nghiệp, học trò buồn thương mà còn để lại một “khoảng trống” lớn trong việc nghiên cứu cổ sử của dân tộc.
“Lê Quý Đôn của thế kỷ 20”
Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối (quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học) cho biết, với sự thông tuệ, am hiểu sâu sắc trong nhiều lĩnh vực (từ lịch sử, khảo cổ học, nhân học đến văn hóa, ngôn ngữ học…), cố giáo sư - nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn được nhiều người trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn coi là “Lê Quý Đôn của thế kỷ 20.”
Cố giáo sư Hà Văn Tấn cùng với các nhà nghiên cứu (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng) được tôn vinh là “tứ trụ” của ngành sử học Việt Nam.
“Cả bốn nhà khoa học lớn, bốn người thầy đáng kính đều đã về với cõi vĩnh hằng. Điều đó không chỉ khiến giới nghiên cứu, các đồng nghiệp, học trò buồn thương mà còn để lại ‘khoảng trống’ lớn trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc. Di sản khoa học, những nền móng các thầy xây dựng tạo tiền đề vững chắc cho thế hệ đi sau,” tiến sỹ Nguyễn Gia Đối chia sẻ.
Trong ký ức nhiều học trò của cố giáo sư Hà Văn Tấn, ông là một nhà giáo, nhà nghiên cứu mẫu mực, chỉn chu, mô phạm nhưng cũng rất gần gũi, chan hòa.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ, thế hệ các thầy đã truyền cho học trò không chỉ tri thức, tình yêu với lịch sử mà còn là tấm gương sáng về nhân cách nhà giáo, người viết sử.
Giáo sư Hà Văn Tấn sinh ngày 16/8/1937 trong một gia đình hiếu học tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - vùng đất có truyền thống khoa bảng với nhiều hiền tài, danh nhân văn hóa trong lịch sử.
Từ năm 1957, giáo sư Hà Văn Tấn trở thành cán bộ tại bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam (Đại học Sư phạm). Sau này, ông trở thành một trong những cán bộ nòng cốt của Khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Sinh thời, noi gương giáo sư Đào Duy Anh, giáo sư Hà Văn Tấn luôn nêu cao tinh thần tự học. “Muốn tự học thì trước hết phải đọc sách. Để có thể đọc và thấu hiểu cặn kẽ nội dung trong sách vở, tài liệu thì cần nắm chắc ngôn ngữ. Bởi vậy, thầy Hà Văn Tấn luôn chú trọng việc học ngoại ngữ và cổ ngữ, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến nguồn gốc tiếng Việt. Thầy coi ngôn ngữ là một trong những chìa khóa quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu,” tiến sỹ Nguyễn Gia Đối cho hay.
Nhờ quá trình tự học bền bỉ, giáo sư-nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn có thể sử dụng thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật tiếng Sanskrit (Phạn) - một thứ ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại.
Không chỉ có vậy, cố giáo sư - nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn còn tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực nhân học hình thể, toán học thống kê… để trang bị kiến thức, phục vụ cho quá trình làm khảo cổ học học - một lĩnh vực đòi hỏi vốn tri thức liên ngành sâu rộng.
Việc học phải đưa đến những kết quả cụ thể
Các học trò của giáo sư Hà Văn Tấn vẫn luôn khắc ghi lời dạy của thầy, đại ý rằng, việc học không nên chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận những kiến thức lý thuyết mà phải biến thành những nhận thức đúng đắn của bản thân, gắn việc học với việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền thụ kiến thức cho người khác, từ đó tạo ra những sản phẩm cụ thể.
“Thầy luôn nhấn mạnh, các nhà khoa học, nghiên cứu không chỉ cần sự say mê, khát khao tìm hiểu mà còn cần sự kiên trì, bền gan và tinh thần dấn thân, dám thử nghiệm những hướng đi mới,” tiến sỹ Đối cho hay.
Cố giáo sư - nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực: khảo cổ học, lịch sử Việt Nam cổ trung đại, lý luận sử học, Phật học, lịch sử tư tưởng, văn hóa học, nhân chủng học...
“Dư địa chí” của Nguyễn Trãi là công trình đầu tiên giáo sư-nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn giới thiệu, hiệu đính và chú thích. Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, vào thời điểm thực hiện công trình trên, giáo sư Hà Văn Tấn mới 23 tuổi. Trong khi đó, “Dư địa chí” là một tác phẩm rất khó. Đánh giá về bản hiệu đính của học trò Hà Văn Tấn, giáo sư Đào Duy Anh cho rằng, đó là một công trình được thực hiện công phu, nghiêm túc, cho thấy thái độ nghiêm túc, sự say mê và năng lực của người thực hiện.
Nối tiếp thành công đó, trong hành trình hơn năm thập kỷ miệt mài nghiên cứu, giảng dạy, cố giáo sư - tiến sỹ Hà Văn Tấn đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, đã công bố khoảng 300 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, ông còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu giá trị như “Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam,” “Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ Việt Nam,” “Triết học lịch sử hiện đại,” “Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam,” “Chùa Việt Nam,” “Theo dấu các văn hóa cổ”…
Phó giáo sư - tiến sỹ Lâm Mỹ Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết sinh thời, giáo sư Hà Văn Tấn luôn đau đáu với việc đào tạo chuyên môn cho thế hệ kế cận, hướng dẫn đội ngũ cán bộ trẻ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo…
Giáo sư Hà Văn Tấn lâm bệnh rồi ra đi khi nhiều dự định, công trình, kế hoạch nghiên cứu (như giáo trình về phương pháp luận sử học, sử liệu học, lý thuyết khảo cổ học, các trường phái khảo cổ học hay khảo cổ học Đông Nam Á…) còn dang dở. Điều đó đặt ra trách nhiệm cho những cộng sự, thế hệ kế cận, học trò của ông trong việc tiếp nối hành trình của một nhà khoa học lớn, một người thầy tâm huyết với lịch sử dân tộc.
Với những đóng góp to lớn cho ngành khoa học lịch sử, ông được công nhận chức danh giáo sư (năm 1980), được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân (năm 1997), được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ (năm 2000)…
Giáo sư Hà Văn Tấn trở thành cán bộ bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đại học Sư phạm từ năm 1957. Sau đó, ông là Chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học - Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) trong thời gian từ năm 1982-2009. Ngoài ra, trong quá trình công tác, giáo sư Hà Văn Tấn cũng đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) trong thời gian từ năm 1988-2008. |