Giáo viên THPT biệt phái: Như chưa hề "lĩnh ấn" ra đi...

(Baohatinh.vn) - Sau 2 tuần thực hiện việc điều động luân chuyển của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh, đến nay, các giáo viên THPT được biệt phái đã ổn định tâm lý và quen với môi trường mới.

VIDEO: Các thầy cô biệt phái phấn khởi khi giảng dạy ở môi trường mới

Bước sang học kỳ 2 này, Trường THPT Lê Quảng Chí (TX Kỳ Anh) đón nhận tin vui khi có thêm 4 giáo viên ở các bộ môn Văn, Sử, Hoá, Toán được biệt phái từ các trường: THPT Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà), Thành Sen (TP Hà Tĩnh). Sự có mặt của các giáo viên biệt phái đã góp phần làm giảm áp lực thiếu giáo viên bộ môn tại trường.

Để tạo điều kiện cho các giáo viên yên tâm công tác, ngoài giúp đỡ của ban giám hiệu, tổ chức công đoàn, các tổ chuyên cũng chủ động chia sẻ những khó khăn cho các giáo viên mới. Thầy Đặng Văn Long - Tổ trưởng Tổ Toán Tin Trường THPT Lê Quảng Chí cho biết: “Trường có 30 lớp nhưng chỉ có 8 giáo viên bộ môn. Vì thế, sự hỗ trợ của giáo viên biệt phái đã giúp chúng tôi trong việc giảm áp lực ở các giờ dạy. Để tạo điều kiện cho giáo viên biệt phái, tổ đã phân công thời khoá biểu hợp lý. Anh em sở tại nhận nhiều tiết dạy hơn và chỉ phân công giáo viên biệt phái dạy khối lớp 10”.

giao vien thpt biet phai nhu chua he linh an ra di

Thầy Đặng Văn Long - Tổ trưởng Toán Tin Trường THPT Lê Quảng Chí

Sự hỗ trợ, động viên từ đồng nghiệp trong tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường... đã giúp các giáo viên tự tin trong môi trường mới. Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên môn Lịch sử ở Trường THPT Thành Sen được biệt phái về trường THPT Lê Quảng Chí cho biết: “Sau 2 tuần, chúng tôi đã quen với môi trường mới. Sự thân thiện của học sinh, quan tâm tạo điều kiện của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, tổ chuyên môn về tinh thần, nơi ăn chỗ ở, sắp xếp bố trí giờ dạy... thực sự làm chúng tôi cảm động. Đây cũng là dịp để giáo viên trẻ như tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong môi trường mới”.

giao vien thpt biet phai nhu chua he linh an ra di

Cô Nguyễn Thị Phượng - GV Sử Trường THPT Thành Sen đã quen với môi trường mới ở Trường THPT Lê Quảng Chí

Bầu nhiệt huyết của tinh thần xung phong đi biệt phái của cô giáo Lê Thị Hương - giáo viên bộ môn Sinh học ở Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) vẫn còn nguyên vẹn nhờ sự quan tâm của tập thể giáo viên Trường THPT Kỳ Lâm (Kỳ Anh).

Cô Hương cho biết: “Từ Thanh Hoá vào quê chồng dạy học, tôi chỉ mới biết đến huyện Can Lộc và Thạch Hà - nơi từng công tác. Khi được phân công biệt phái ở Kỳ Lâm, tôi lo lắng vì đây là vùng hết sức khó khăn, đường sá xa xôi. Nhưng, lên đây mới biết tình cảm ấm áp của tập thể giáo viên, sự chia sẻ của tổ chuyên môn và niềm say mê học tập của học sinh. Cùng với một giáo viên môn Văn đi biệt phái, chúng tôi được nhà trường bố trí phòng ở và chỗ ăn ở, bếp ăn tập thể. Tôi đã thực sự hoà nhập với môi trường mới”.

giao vien thpt biet phai nhu chua he linh an ra di

Thầy Võ Tiến Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Lâm cho biết: “Hiện tại trường có 20 lớp và thiếu 7 giáo viên, nhưng năm sau số lớp 10 sẽ tăng thêm 1 và giáo viên thiếu sẽ tăng thêm 2 người. Đó là chưa kể toàn trường có 19/34 giáo viên trong biên chế có thâm niêm công tác tại trường từ 7 - 17 năm đang có nguyện vọng được chuyển về quê hương hợp thức hoá gia đình. Vì thế, chúng tôi rất trân trọng giáo viên biệt phái khi chia sẻ khó khăn với trường. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các thầy cô khi đến đây”.

giao vien thpt biet phai nhu chua he linh an ra di

Việc điều động giáo viên biệt phái giảm áp lực thiếu giáo viên cho Trường THPT Kỳ Lâm

Từ chủ trương hợp tình hợp lý, đúng luật, đợt đầu tiên điều động giáo viên biệt phái đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên.

“Đợt này, giáo viên chỉ đi biệt phái trong vòng 5 tháng, nhưng từ năm học 2018 - 2019 trở đi, việc điều động sẽ được thực hiện trong suốt cả năm học. Khi số lượng giáo viên biên chế còn thừa, nhiều giáo viên đến độ tuổi nghỉ chế độ, các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn thiếu giáo viên thì việc luân chuyển biệt phái vẫn sẽ tiếp tục thực hiện” - Trường phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT) Phan Đình Lai cho hay.

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.