Gỗ keo tràm “rớt giá”, người trồng lẫn người buôn gặp khó

(Baohatinh.vn) - Giá cây keo tràm giảm gần 30% so với năm 2022 khiến các hoạt động sản xuất cũng như khai thác, chế biến gỗ nguyên liệu ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn.

Hương Khê là một trong những huyện có diện tích rừng keo tràm lớn nhất ở Hà Tĩnh với gần 19.000 ha. Không chỉ phủ xanh đồi hoang, núi trọc, trong nhiều năm, cây keo đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Theo tính toán, mỗi ha keo bình quân thường cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng, có thời điểm giá cao hoặc tùy vào chất lượng gỗ có khi lãi đến 100 triệu đồng (chu kỳ khai thác từ 5 - 7 năm).

Gỗ keo tràm “rớt giá”, người trồng lẫn người buôn gặp khó

Cây keo tràm đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, giá keo nguyên liệu xuống thấp khiến người trồng và các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo gặp khó.

Nếu như vào năm 2022, giá gỗ keo dao động từ 900 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn thì từ năm 2023, giá bất ngờ “rớt” còn khoảng trên dưới 600 - 700 nghìn đồng/tấn. Do đó, nhiều chủ rừng đã quyết định tạm dừng thu hoạch keo tràm dù cây đã lớn.

Gia đình ông Phan Ngọc Phượng (xã Hương Trạch, Hương Khê) có hơn 5 ha keo tràm, trong đó gần 3 ha đến tuổi thu hoạch. Ông Phượng chia sẻ: “Trồng keo không đòi hỏi vốn lớn và nhiều công chăm sóc. Chưa kể, thời gian cho thu hoạch của keo rất dài (thường từ 5 - 7 năm). Hiện nay, đến kỳ thu hoạch, giá xuống thấp gây khó khăn cho người trồng vì giá vận chuyển, nhân công vẫn tăng cao trong khi thương lái hỏi mua thì rất ít. Chúng tôi chọn cách tự thu hoạch theo từng lô nhỏ và bán trực tiếp cho các cơ sở chế biến để có thêm thu nhập”.

Gỗ keo tràm “rớt giá”, người trồng lẫn người buôn gặp khó

Từ đầu năm 2023, giá keo nguyên liệu xuống thấp khiến người trồng và các cơ sở thu mua gặp khó.

Không chỉ người trồng, việc giá gỗ keo xuống thấp cũng khiến nhiều thương lái lao đao. Theo những người làm nghề thu mua cây keo trung gian (hình thức thu mua nguyên đồi, rừng để thu hoạch và bán lại cho cơ sở chế biến), thời điểm này năm ngoái, gỗ keo tăng giá mạnh và bán rất chạy nên nhiều thương lái vay vốn đầu tư “bao rừng”. Nay, giá keo xuống thấp khiến nhiều người thua lỗ nặng, tính ra hiện nay, mỗi ha keo lỗ 20 - 30 triệu đồng.

Anh Sử Văn Trường (trú tại xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh) cho hay: “Tôi làm nghề mua gỗ keo gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay. Nghề của chúng tôi là “mua bằng mắt, bán bằng cân” nên rủi ro cao. Tính ra tôi lỗ gần 100 triệu đồng do mua khi giá gỗ tăng cao nhưng chưa kịp thu hoạch. Không chỉ xuống giá, thậm chí thời điểm đầu năm nay, thị trường gỗ keo tràm gần như đứng im. Các hoạt động mua - bán mới chỉ bắt đầu trở lại cách đây khoảng 1 tháng, tuy nhiên giá cả vẫn khá thất thường”.

Gỗ keo tràm “rớt giá”, người trồng lẫn người buôn gặp khó

Cơ sở thu mua gỗ keo của anh Phạm Thanh Trung đang rơi vào tình cảnh... làm cũng lỗ, nghỉ cũng lỗ.

Được biết, nhiều người làm nghề thu mua gỗ keo sau thu hoạch cũng đang gồng mình “gánh” lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Anh Phạm Thanh Trung (trú tại xã Hương Thủy, Hương Khê) cho hay: “Bây giờ chúng tôi làm tiếp cũng lỗ mà nghỉ cũng lỗ. Thời điểm gỗ keo lên cao, tôi vay mượn để mua xe đầu kéo, máy gắp gỗ, trạm cân… phục vụ công tác thu mua, tập kết hàng. Với tình trạng giá keo xuống thấp thì việc kinh doanh cũng không có lãi, nếu tạm ngưng thì lỗ tiền nhân công, khấu hao máy móc, xe cộ, lãi ngân hàng… Tính ra, mỗi tháng tôi đang chịu lỗ gần 70 triệu đồng”.

Cũng theo anh Trung, gỗ keo sau thu hoạch được phân thành 2 loại, phần gốc (đường kính từ 10cm trở lên) đang duy trì ở mức khoảng 1 triệu đồng/tấn; phần gỗ nhỏ hơn (đường kính dưới 10cm) - thường gọi là keo đọt thì giá biến động mạnh, so với năm 2022, giảm từ mức 1 triệu đồng xuống còn 600 - 700 nghìn đồng/tấn.

Gỗ keo tràm “rớt giá”, người trồng lẫn người buôn gặp khó

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của anh Cao Đức Luyện hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân.

Các cơ sở chế biến gỗ đang đối mặt với tình cảnh hoạt động cầm chừng. Anh Cao Đức Luyện - chủ cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn xã Hương Long (Hương Khê) cho biết: “Cơ sở chủ yếu sản xuất gỗ ván, gỗ thanh để bán nhưng thời gian này do các chủ vườn dừng khai thác để chờ giá lên nên nguyên liệu đầu vào thiếu; các đơn hàng còn phải bán nợ vì đối tác chưa có tiền chuyển trả. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải chịu thua lỗ để duy trì sản xuất, tạo việc làm và giữ chân công nhân, chờ cơ hội trong thời gian tới”.

Gỗ keo tràm “rớt giá”, người trồng lẫn người buôn gặp khó

Một số cơ sở không thể duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến giá gỗ keo tràm giảm giá mạnh trong thời gian qua là do thị trường Trung Quốc và châu Âu… giảm nhu cầu, dẫn đến lượng hàng tồn kho nhiều và hạ giá gỗ.

Trước thực trạng khó khăn này, nhiều chủ vườn ở Hà Tĩnh chọn phương án tạm thời ngừng thu hoạch; nhiều cơ sở thu mua, chế biến tạm đóng cửa, ngưng sản xuất để chờ tín hiệu mới. Tuy nhiên, dự báo, thị trường sẽ còn khó khăn và nhiều khả năng giá gỗ keo tràm chưa thể tăng nhanh trở lại như mong muốn.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng mạnh cả triệu đồng một lượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần (18/11) do hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới.
Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm 250-390 đồng một lít, kg từ 15h, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.