Chiều 30/12, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thực hiện dự án “Phòng chống mua bán người giai đoạn 1” do Tổ chức Bánh mì cho thế giới tài trợ.
Dự án “Phòng chống mua bán người, giai đoạn 1” do Tổ chức Bánh mì cho thế giới tài trợ, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh làm chủ dự án; thực hiện trong 3 năm (từ 1/1/2022 - 31/12/2024), tại 6 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Can Lộc, Lộc Hà, Kỳ Anh.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 240.000 ERO (tương đương trên 6 tỷ đồng), trong đó, Tổ chức Bánh mì cho thế giới tài trợ 185.000 ERO và UBND tỉnh Hà Tĩnh đối ứng 55.000 ERO.
Triển khai dự án, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ thôn, tổ dân phố, đoàn thể và người dân về phòng chống mua bán người, về pháp luật lao động, phòng chống mua bán người và bình đẳng giới…
Trong 3 năm, hội LHPN các cấp đã tổ chức 264 cuộc truyền thông nhóm nhỏ tại 44 thôn cho trên 13.000 lượt người; tổ chức 3 cuộc đối thoại với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng; thành lập 6 câu lạc bộ “Di cư an toàn” với 196 thành viên tham gia; phối hợp tổ chức 3 cuộc mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7) tại các địa điểm trung tâm của 3 huyện với sự tham dự và diễu hành của trên 700 người…
Sau 3 năm triển khai khảo sát trên gần 3.700 cán bộ, người dân cho thấy, có 91% nắm được thông tin, định nghĩa về mua bán người, nhận diện đối tượng có nguy cơ bị mua bán; 98% đánh giá việc tập huấn, truyền thông hữu ích đối với bản thân và gia đình; 95% nắm được các kiến thức liên quan như phương thức, thủ đoạn, cách bảo vệ an toàn khi đi ra nước ngoài, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng…
Dự án đã hỗ trợ 150 con bò, bê giống, 2.040 con gà giống, thức ăn, thuốc thú y trị giá hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân tại các địa phương; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân hưởng lợi. Hội phụ nữ cũng hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi bò, gà với hàng trăm hộ dân tham gia. Cùng với đó, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thêm nhiều nguồn vốn từ các loại quỹ…
Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là hội viên, phụ nữ về công tác phòng chống mua bán người, thực hiện di cư an toàn; cải thiện đời sống người dân, hạn chế việc di cư không an toàn; năng lực của đội ngũ cán bộ hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được nâng lên rõ rệt. Các mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình…
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của các mô hình, hoạt động tại các địa phương đã triển khai trong giai đoạn 1; phối hợp với Văn phòng Tổ chức Bánh mì cho thế giới tại Việt Nam - Lào xây dựng kế hoạch, kinh phí; đề xuất với UBND tỉnh và triển khai thủ tục phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Phòng chống mua bán người giai đoạn 2”; ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của dự án tại các địa phương…