Đây là thông tin được TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA), đưa ra tại Hội nghị đóng góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây.
TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA).
Trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt kiều
Theo TS. Trần Hải Linh, để có thể phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc, Việt Nam cần tăng cường quy mô nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá; các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, sớm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
TS. Trần Hải Linh nhận định, nhìn một cách khách quan, học sinh tốt nghiệp các trường trung học phổ thông ở Việt Nam không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Tuy nhiên, những người tốt nghiệp đại học tại Việt Nam phần nhiều còn thua kém so với những người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, đặc biệt về các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc…
“Thực tế cho thấy rõ trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp và tỷ lệ sinh viên phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Điều đó cho thấy giáo dục đại học và đào tạo nghề mà xã hội thực sự cần đến là mảng cần nhiều sự thay đổi”, TS. Trần Hải Linh cho biết.
TS. Trần Hải Linh kiến nghị, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách ra 2 mô hình: Đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Trong đó trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình.
Ngoài ra, theo TS. Trần Hải Linh, Chính phủ cần giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình. Tuyển chọn và hỗ trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc đang cần được ưu tiên. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung được vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ.
Thành lập một số nhóm nghiên cứu cho một số lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên cho công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm cụ thể, cấp cho họ khoản kính phí hoạt động ban đầu nhất định. Đổi lại, họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là hợp tác được với nhau tạo thành những nhóm nghiên cứu mạnh, “nhận những nhiệm vụ cụ thể, ra sản phẩm cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể”.
Chương trình Brain Korea 21 đã đem lại nhiều hiệu quả trong việc phát triển khoa học, công nghệ, công nghiệp cho Hàn Quốc.
TS. Trần Hải Linh gợi mở, Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình chương trình Brain Korea 21 mà Hàn Quốc đã thực hiện, trong đó định hướng và liên kết giữa giáo dục đại học với các nhà nghiên cứu trẻ, nguồn nhân lực trình độ cao trong việc phát triển khoa học, công nghệ, công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Hàn Quốc không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng để phát triển được như ngày hôm nay họ đã biết tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức Hàn Quốc được đào tạo bài bản ở các nước phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó những chính sách về đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nghề, kèm theo các chương trình phát triển nhân lực trình độ cao trong khoa học, công nghệ, công nghiệp đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển nền kinh tế, xây dựng thành công những thành phố thông minh trên khắp Hàn Quốc.
Là một trong số những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, TS. Trần Hải Linh tin tưởng mạnh mẽ rằng, Việt Nam sẽ tạo ra những “kỳ tích” như Hàn Quốc.
Cần có trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế
Cũng theo TS. Trần Hải Linh, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển là rất phù hợp với việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực xã hội, kết hợp được trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững, hội nhập thành công. Điều này đòi hỏi sự phát triển của toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng để có thể áp dụng “Chính phủ điện tử - eGov”, ứng dụng CNTT giải quyết những vấn đề trụ cột của xã hội, như: Tài chính, giao thông, giáo dục, y tế…
Cũng theo TS. Trần Hải Linh, quy mô và cơ cấu thị trường tài chính cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường vốn cổ phần và trái phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ phi tín dụng. Hướng tới giảm dần việc thanh toán bằng tiền mặt, mở rộng các hình thức thanh toán qua ngân hàng, đặc biệt là thông qua hệ thống ví điện tử, ngân hàng điện tử, ngân hàng số…
“Việt Nam cần nhanh chóng có được ít nhất một trung tâm tài chính đẳng cấp khu vực và quốc tế với hệ thống các ngân hàng thương mại đa dạng, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán... Các đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ vốn thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc qua kênh mua bán - sáp nhập, hoạt động kiều hối, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...”, TS. Trần Hải Linh khuyến nghị./