Qua thăm khám, cháu bé được chẩn đoán là viêm da cơ địa cùng với ghẻ; chị Tâm bị viêm da cơ địa nhưng điều trị không đúng nên bệnh không khỏi mà còn nặng thêm.
GS-TS Trần Hậu Khang khám bệnh cho mẹ con chị Bùi Thị Tâm (Kỳ Giang – Kỳ Anh)
Chị Tâm cho biết: Mùa hè năm ngoái bị ngứa khắp người nên ra Hà Nội khám (cơ sở bên ngoài) và lấy thuốc về tự điều trị. Bệnh chỉ khỏi tạm thời, sau đó ngứa thêm, tạo thành những mảng da xạm ở 2 bên tay và mặt.
Không chỉ chị Tâm, rất nhiều người đến khám tại đây đều bị mắc các bệnh da mùa nắng nóng như: viêm nang lông, trứng cá, ghẻ, nấm...
GS-TS Trần Hậu Khang – Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam cho biết: Da là bộ phận lớn nhất, bao quát toàn bộ cơ thể. Mùa nắng nóng, nhiệt độ cao, cộng với cường độ ánh sáng mạnh, da sẽ phải đối diện với hai vấn đề. Đó là tăng cường sự tiết mồ hôi và thường xuyên tiếp xúc với một số loại tia sáng có hại trong ánh nắng như tia cực tím, tia tử ngoại. Do đó, thời tiết nắng nóng là cơ hội phát sinh một số bệnh da liễu như: rôm sảy, viêm nang lông, mục trứng cá, nhiễm trùng da. Ở trẻ em, các bệnh da liễu thường gặp mùa nắng nóng là rôm sảy. Ở người lớn thường gặp bệnh viêm nang lông, mụn trứng cá, mụn ở lưng ngực, nhiễm trùng da, các bệnh viêm da dị ứng…
Cùng với các bệnh lý như trên, với tác hại của ánh nắng mặt trời, nếu không được bảo vệ tốt, ánh nắng còn có thể gây ra một số vấn đề cấp tính cho da như: bỏng nắng, rộp da, sạm da…
Một trường hợp bị bội nhiễm da do dùng thuốc không đúng.
Các bệnh về da thường không được mọi người quan tâm đúng mực. Nhiều người còn có thói quen ra hiệu thuốc tự mua thuốc về bôi, hoặc tự chẩn đoán rồi tắm bằng các loại nước lá. Vì vậy, khi đưa đến viện tình trạng bệnh đã rất nặng hoặc có biến chứng không mong muốn.
Cách tốt nhất giữ da khỏi các bệnh mùa nắng nóng là vệ sinh da thật tốt và tăng cường các biện pháp chống nắng cho da. Bên cạnh đó, nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài tối thiếu khoảng 15-30 phút. Khi thời tiết nắng nóng, kem chống nắng có độ phổ rộng, chỉ số chống nắng SPF từ 50-55 là phù hợp nhất. Nếu làm việc ở môi trường nhiều ánh nắng, hoặc với những người đi tắm biển, khoảng cách thời gian bôi kem chống nắng giữa hai lần nên rút ngắn lại, nên bôi sau 1-2 tiếng.
Với những người làm việc ở môi trường ít ánh sáng, như làm việc văn phòng, ngồi máy lạnh thường xuyên, không nên thay đổi môi trường đột ngột. Nên tránh ra ngoài vào thời điểm cường độ ánh sáng mạnh là khoảng thời gian từ 9h sáng đến 15 giờ chiều. Đặc biệt, không nên ra ngoài vào thời điểm từ 11-12 giờ trưa - khoảng thời gian da sẽ phải tiếp xúc với nhiều loại tia sáng độc hại.
Ngoài ra, cần dùng thêm các biện pháp chống nắng hỗ trợ như nón rộng vành, kính râm, váy áo chống nắng, khẩu trang, bao tay….; uống nước đủ để cân bằng nhiệt độ cho da; thường xuyên tắm giặt; mặc quần áo bằng vải cotton, có chế độ dinh dưỡng đủ chất, trong đó nên ăn uống các loại thức ăn có tính mát như: canh, rau, trái cây, uống nước cam, chanh, đồng thời hạn chế ăn đồ cay nóng như: tiêu, ớt, gừng, rượu…
Mùa nắng nóng trẻ dễ đổ mồ hôi nên cần chú ý chuẩn bị các loại khăn bông vải mềm để giúp bé thấm mồ hôi; không dùng quạt máy để giúp bé của bạn làm mát. Nó có thể khiến bé khô da và mất nước. Nên tắm cho bé thường xuyên hơn so với mùa lạnh, nhưng không nên tắm quá nhiều lần và tuyệt đối không tắm nước lạnh cho bé. Sau khi tắm phải lau khô bé thật nhanh, thật kỹ; chọn quần áo phù hợp (các loại quần áo vải bông nhẹ thoáng và sáng màu) và thay thường xuyên cho bé; thường xuyên kiểm tra da và đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ.