Hẳn nhiều người dân Thạch Hà, đặc biệt là xã Bắc Sơn vẫn chưa quên câu chuyện buồn khi bắt đầu triển khai dự án Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ. Năm 2014, vì chưa nhận thức được mục đích lâu dài của dự án cũng như bị các phần tử xấu xúi giục, kích động nên một số người dân đã phản đối việc triển khai dự án. Nghiêm trọng hơn khi việc phản đối đẩy đến hành động gây rối trật tự, cản trở người thi hành công vụ, phá hoại tài sản... Trước sự việc đó, cả hệ thống chính trị Thạch Hà, đặc biệt là Ban Tuyên giáo và đội ngũ BCV đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền, giải thích đến từng người dân để họ thấu hiểu mục đích, ý nghĩa của dự án.
Các cuộc hội nghị báo cáo viên được tổ chức nhằm trao đổi thông tin hai chiều giữa Ban Tuyên giáo với cơ sở, góp phần “hạ nhiệt” kịp thời các “điểm nóng”.
“Thời điểm đó, huyện thành lập đoàn công tác đặc biệt bám nắm cơ sở. Đồng thời công khai mọi thông tin về dự án, thực hiện quy chế dân chủ để người dân tham gia ý kiến, bày tỏ nguyện vọng. Đội ngũ BCV, dư luận viên kiên trì tổ chức các cuộc họp dân, họp hội, đoàn thể, thậm chí, đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, nói chuyện” - bà Bùi Thị Xuân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy nhớ lại. Cũng từ đó, người dân dần hiểu và đồng tình triển khai dự án. Đến cuối tháng 12/2016, dự án Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ chính thức hoàn thành giai đoạn 1, là minh chứng thể hiện hiệu quả của việc gần dân, hiểu dân.
Tháng 4/2016, sự cố môi trường biển xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân 12/31 xã trên địa bàn huyện. Một số phần tử xấu lợi dụng đưa các thông tin sai lệch, kích động. Để ổn định dư luận, đội ngũ BCV, tuyên truyền viên toàn huyện với 90 đồng chí lại tích cực về với cơ sở, thông tin diễn biến tình hình sự cố môi trường biển và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời chỉ rõ những luồng thông tin không chính thống để người dân biết, loại bỏ.
Ngay sau khi có thông báo kết luận về nguyên nhân gây ra sự cố và thông tin chính sách đền bù thiệt hại, Ban Tuyên giáo tiếp tục triển khai tuyên truyền, cung cấp thông tin đến tận người dân; tăng cường nắm bắt thông tin và ổn định tình hình tại các xã ven biển bị ảnh hưởng, vùng khó khăn, vùng giáo; tuyên truyền người dân tái sản xuất, vươn khơi bám biển, sử dụng tiền đền bù đúng mục đích; hỗ trợ, khảo sát nhu cầu việc làm, đào tạo nghề nhằm góp phần ổn định tình hình.
Chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển cho người dân Thạch Hội (Thạch Hà)
Để cung cấp thông tin và định hướng của tỉnh đến cơ sở, đồng thời, tiếp nhận các thông tin từ cơ sở để có hướng giải quyết, hội nghị BCV được Thạch Hà tổ chức ít nhất mỗi tháng 1 lần. Các kênh tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng như hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, trang web Công an Thạch Hà, Truyền hình Thạch Hà, báo, đài địa phương và trung ương... phát huy hiệu quả. Cùng đó, việc nắm bắt dư luận xã hội vẫn luôn là nội dung cốt lõi, không chỉ qua việc các xã hàng tháng báo cáo tình hình dư luận, đối với “điểm nóng”, Ban Tuyên giáo trực tiếp cử cán bộ xuống cơ sở bám nắm.
Với những cách làm này, những năm qua, nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận đã được Thạch Hà giải quyết ổn thỏa, qua đó, dân chủ được phát huy, niềm tin trong nhân dân được củng cố. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bùi Thị Xuân khẳng định: “Trong tình hình thông tin đa chiều hiện nay, công tác tuyên truyền càng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Và việc trao đổi thông tin 2 chiều, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền miệng luôn là giải pháp được ban chú trọng. Ban Tuyên giáo đã thông qua tổ chức đoàn chỉ đạo, quán triệt và hướng dẫn ĐVTN sử dụng thông tin trên mạng, trang mạng xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ BCV, tuyên truyền viên trong nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người dân để sớm có hướng giải quyết những vấn đề nảy sinh trên địa bàn”.