Hà Tĩnh chủ động phòng chống cháy nổ trong mùa nắng

(Baohatinh.vn) - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh Hà Tĩnh) triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ cho người dân trong mùa nắng.

Vào khoảng 18 giờ ngày 10/3/2024, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) nhận thông tin về vụ cháy xảy ra tại cửa hàng sửa chữa xe máy Quốc Thu ở thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (Thạch Hà). Nhận tin báo, đơn vị đã điều động 2 xe chữa cháy, 1 máy bơm chữa cháy cùng 20 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường.

Lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kịp thời dập tắt đám cháy tại thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (Thạch Hà).

Sau một thời gian ngắn, với sự nỗ lực của các cán bộ, chiến sỹ cùng người dân, đám cháy đã được khống chế. Vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản của chủ hộ. Nguyên nhân vụ cháy được lực lượng chức năng xác định là do chập điện.

Ngoài vụ cháy trên, theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 214 triệu đồng. Trong đó có 4 vụ cháy nhà ở; 3 vụ cháy phương tiện giao thông đường bộ; 2 vụ cháy thiết bị điện trên cột; 2 vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh; 1 vụ cháy phương tiện giao thông đường thủy; 1 vụ cháy ở chợ; 1 vụ cháy chuồng chăn nuôi gia súc; 1 vụ cháy ở cơ sở y tế; 1 vụ cháy ở nhà xưởng và 1 vụ cháy ở nhà tạm.

Lực lượng chức năng đã làm rõ nguyên nhân 15/17 vụ, trong đó chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện (13 vụ). TP Hà Tĩnh là địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy nhất trên toàn tỉnh (4 vụ), tiếp đến là TX Hồng Lĩnh (3 vụ) và Thạch Hà (3 vụ).

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác thường trực PCCC tại phòng bảo vệ của Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh.

Trung tá Đậu Đình Hòa - Đội trưởng Đội CC&CNCH Trung tâm (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH) khuyến cáo: “Hà Tĩnh đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nguy cơ cháy nổ luôn thường trực nếu lơ là, chủ quan trong công tác phòng ngừa. Do vậy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng… và tuyệt đối không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy nổ.

Đồng thời, sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong sinh hoạt hằng ngày. Sử dụng hệ thống điện cần có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm và tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; trang bị mỗi hộ gia đình tối thiểu 1 bình chữa cháy nhằm hạn chế tối đa nguy cơ và chữa cháy kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra”.

Công tác bảo dưỡng thiết bị chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thường xuyên được cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH duy trì.

Được biết, để phòng ngừa cháy nổ, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tăng cường công tác tuyên truyền. Đơn vị đã đăng phát 382 tin, bài tuyên truyền về công tác PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức 228 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH với trên 14 nghìn người tham gia; tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại 6 địa điểm trên toàn tỉnh, thu hút hơn 4 nghìn người tham gia.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và công an các huyện, thành phố, thị xã cũng đã chủ động kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC tại 692 cơ sở, kịp thời phát hiện, kiến nghị và hướng dẫn các cơ sở khắc phục các thiếu sót để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra đã phát hiện, lập 25 biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 63,7 triệu đồng.

Công tác tuyên truyền, tập huấn về công tác PCCC&CNCH cho người dân luôn được lực lượng công an các địa phương chủ động thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Tần (tiểu thương kinh doanh ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gia đình tôi bán hàng tạp hóa, trong nhà luôn có các vật dụng, đồ dùng dễ bắt lửa. Qua công tác tuyên truyền và được tham gia tập huấn PCCC, tôi đã có thêm kiến thức và ý thức phòng cháy, nhất là khi đun nấu, sử dụng các thiết bị điện trong mùa nắng. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên kiểm tra, thay thế các thiết bị điện cũ, hỏng. Tuy tốn kém nhưng việc làm đó là cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ sự cố chập điện, gây cháy nổ, đảm bảo an toàn về tính mạng cho chính bản thân và gia đình”.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác PCCC tại Nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt (Vũ Quang).

Thượng tá Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: “Trước mùa nắng, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch PCCC&CNCH một cách bài bản, cụ thể. Theo đó, đơn vị sẽ tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 24/24h; huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thường ngày và nâng cao cho cán bộ, chiến sỹ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án; tổ chức tốt công tác tiếp nhận và xử lý tin báo; luôn sẵn sàng để công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo kịp thời, hiệu quả”.

Cũng theo Thượng tá Võ Đăng Khoa, để công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất vẫn là mỗi người cần phải nâng cao ý thức về PCCC. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình cần chủ động phương tiện, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi không may xảy ra sự cố cháy nổ; chủ động nắm bắt, sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy khi xảy ra cháy nổ.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói