Hà Tĩnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đã, đang triển khai nhiều mô hình, đề tài liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.

Trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos gắn với hệ thống tưới tự động của gia đình ông Đinh Phúc Tiến (thôn Đông Trà, xã Hương Trà, Hương Khê)

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và điều hành quản lý

Năm 2017, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Đinh Phúc Tiến (thôn Đông Trà, xã Hương Trà, Hương Khê), đã đầu tư 150 triệu đồng lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos và hệ thống tưới tự động để phục vụ sản xuất tại nhà vườn (chuyên ươm cây giống). Đây là hệ thống dự báo được lượng mưa và thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối… với phạm vi phục vụ bán kính 5-20km.

“Từ khi áp dụng hệ thống dự báo thời tiết kết hợp hệ thống tưới tự động, công việc tưới tiêu chủ động hơn, chất lượng cây giống đạt cao, đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Doanh thu từ sản xuất kinh tế vườn 5 năm qua đạt bình quân 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm. Và đây cũng là vườn mẫu giành giải đặc biệt trong Cuộc thi khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu cấp tỉnh năm 2017” – ông Đinh Phúc Tiến cho hay.

Nhiều nhà vườn, trang trại sản xuất cam trên địa bàn Hà Tĩnh đã thực hiện truy xuất bằng tem điện tử.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các nhà vườn, trang trại như: bưởi Phúc Trạch; cam: Khe Mây, Thượng Lộc, Sơn Mai; nhung hươu Hương Sơn và các sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Tĩnh đã được gắn tem mã QR truy xuất nguồn gốc. Từ đó, hàng hóa kết nối dễ dàng với các sàn giao dịch thương mại điện tử và có mặt tại nhiều siêu thị.

Ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là 1 trong 5 tiêu chí vườn mẫu thuộc tiêu chí 20 (Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu). Đây là bước đột phá, cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh, tạo sự thu hút, sức lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng NTM. Đến cuối năm 2020, Hà Tĩnh có trên 600 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn, trên 6.000 vườn mẫu đạt chuẩn.

Phần mềm “Dữ liệu số nông thôn mới Hà Tĩnh” lưu trữ thông tin về hoạt động NTM ở dạng số hóa, người dân có thể dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động xây dựng NTM.

Cùng với ứng dụng vào sản xuất, Hà Tĩnh còn là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng NTM. Năm 2019, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã đưa vào ứng dụng phần mềm “Dữ liệu số nông thôn mới Hà Tĩnh”, với mục tiêu lưu trữ thông tin về hoạt động NTM ở dạng số hóa, người dân có thể dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động xây dựng NTM.

Ông Trần Huy Oánh – Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, phần mềm “Dữ liệu số nông thôn mới Hà Tĩnh” đã cập nhật được kết quả thực hiện NTM các cấp từ tỉnh đến huyện, xã; đánh dấu tọa độ địa lý, hạ tầng NTM như: các trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, khu di tích, vườn mẫu…Qua đó có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng một cách sâu rộng. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh cũng đã thực hiện số hóa hệ thống báo cáo, đưa vào mã QR để giảm thiểu chi phí in báo cáo giấy.

“Đi tắt, đón đầu” chuyển đổi số trong xây dựng NTM

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang phối hợp cùng Công ty CP giải pháp KYC xây dựng kế hoạch chuyển đổi số NTM tại Hà Tĩnh

Với mục tiêu xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa qua, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh phối hợp với một số đơn vị về giải pháp công nghệ triển khai xây dựng phần mềm chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư NTM thông minh, xã NTM thông minh.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Điều hành Công ty CP Giải pháp KYC cho biết, tiện ích của chuyển đổi số trong NTM thông minh sẽ triển khai thí điểm trên địa bàn Hà Tĩnh tác động đến nhiều lĩnh vực như: trực tiếp quản lý nhà nước dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4; tăng cường trao quyền và sự tham gia của công dân trong quản lý công; tác động đến công nghệ sản xuất (cảm biến môi trường, quan trắc tự động, nông nghiệp công nghệ cao, kiểm soát tưới tiêu tự động); tác động đến dịch vụ (dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, giáo dục đào tạo trực tuyến, thương mại điện tử)…

Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 6/2021, Hà Tĩnh sẽ thí điểm xây dựng 10 mô hình khu dân cư nông thôn kiểu mẫu thông minh; khởi tạo xây dựng 2 mô hình xã nông thôn mới thông minh; xây dựng 3 mô hình giám sát thông minh tại một số thôn, xã trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh làm việc với Công ty CP Giải pháp KYC để triển khai xây dựng phần mềm chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư NTM thông minh, xã NTM thông minh.

Thông qua các mô hình số nhằm giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm. Đây cũng là diễn đàn mở để người dân cung cấp thông tin, số lượng sản phẩm để kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm… Người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu những kiến thức trong phát triển kinh tế vườn hộ, giáo dục, y tế.., từng bước tham gia tích cực vào mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.

“Chúng tôi đánh giá cao Hà Tĩnh là địa phương chủ động và đi đầu trong việc triển khai chuyển đổi số trong xây dựng NTM theo yêu cầu chuyển đổi số quốc gia cũng như của Văn phòng NTM Trung ương… nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, nhất là trong chương trình OCOP,... góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh... trong giai đoạn 2021-2025” - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến khẳng định.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói