Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

(Baohatinh.vn) - Tại hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2022 vùng miền Trung và Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề xuất Bộ KH&ĐT 5 nội dung nhằm thực hiện các chỉ tiêu KT-XH và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Sáng nay (15/9), Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2022 vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.

Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Vùng miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố và vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 8 tháng đầu năm 2021, kinh tế vùng miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục giữ được sự tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, vừa phòng, chống dịch COVID-19.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh cả 3 khu vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của vùng đều tăng trưởng, thu ngân sách, xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc y tế, người có công, người nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh được đảm bảo.

Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm một số địa phương gặp khó do đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số địa phương vùng miền Trung có tốc độ tăng trưởng thấp.

Tốc độ tăng trưởng GRDP vùng Tây Nguyên tăng thấp so với cùng kỳ, 3/5 địa phương thuộc vùng dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 không đạt mục tiêu.

Hiện nay, các địa phương vùng miền Trung và Tây Nguyên đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2021 đạt kết quả cao nhất.

Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

Các tỉnh, thành tham dự hội nghị tại các điểm cầu. Ảnh chụp màn hình.

Xây dựng kế hoạch năm 2022, các địa phương vùng miền Trung và Tây Nguyên đặt mục tiêu tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân và giảm nghèo bền vững.

Theo đó, vùng miền Trung dự kiến một số chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7 – 8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 665.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD; thu ngân sách đạt 176.000 tỷ đồng…

Một số chỉ tiêu dự kiến năm 2022 của vùng Tây Nguyên: tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,71%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,46 tỷ USD; thu ngân sách đạt 30.410 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm…

Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

Về tình hình giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, tổng vốn NSNN đã giao cho các địa phương vùng miền Trung là 68.107,438 tỷ đồng. Các địa phương Vùng Miền Trung đã triển khai giao kế hoạch năm 2021 là 69.223,719 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu kế hoạch đầu tư công 2022 của 14 địa phương vùng miền Trung là 91.641,883 tỷ đồng, tăng 34,55% so với kế hoạch năm 2021.

Vùng Tây Nguyên được giao 15.472 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021. Đến nay, các địa phương đã phân bổ chi tiết được 16.008 tỷ đồng, bằng 103% tổng số vốn kế hoạch được giao. Tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư công 2022 vùng Tây Nguyên do các địa phương xây dựng là 20.632 tỷ đồng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu KT-XH và giải ngân vốn đầu tư công; làm rõ nguyên nhân và đề xuất cơ chế, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra năm 2021 và thực hiện kế hoạch năm 2022.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, kết quả đạt được 8 tháng đầu năm của tỉnh khá tích cực: tổng thu ngân sách đạt gần 11.000 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,28%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD (tăng 143% cùng kỳ).

Giải ngân vốn đầu tư công do địa phương quản lý đến 31/8/2021 đạt tỷ lệ trên 66%.

Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại hội nghị.

Hà Tĩnh ước khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 như sau: tăng trưởng kinh tế đạt 6,92%; sản xuất thép đạt 5,5 triệu tấn; tổng thu ngân sách đạt 14.300 tỷ đồng (vượt 18% dự toán), kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD (vượt 33% kế hoạch).

Về dự kiến xây dựng kế hoạch năm 2022, Hà Tĩnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 7 - 8%, thu ngân sách trên 14.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 45 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề xuất Bộ KH&ĐT 5 nội dung:

Một là, sớm xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng để các địa phương có căn cứ xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.

Hai là, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm sửa đổi những quy định pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.

Ba là, nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Bốn là, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm giao danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Năm là, tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và phân bổ vốn năm 2021 cho các địa phương để kịp triển khai thực hiện.

Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đề nghị các địa phương phối hợp các bộ ngành triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Các địa phương chủ động, khẩn trương xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 bám sát Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương cần chỉ đạo sát sao các chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện quyết liệt các giải pháp để đến ngày 30/9, đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 60%. Cùng đó, xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 sát với tình hình thực tế, nhu cầu địa phương, gắn với mục tiêu về phát triển KT-XH, định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm, khâu đột phá của quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các địa phương vượt qua khó khăn, thực hiện cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh giao các sở, ngành tiếp tục cập nhật, rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện năm 2021; làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và dự báo tình hình để xây dựng kế hoạch năm 2022, đảm bảo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh và chương trình hành động của Tỉnh uỷ.

Hà Tĩnh đề xuất 5 nội dung về kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công

Sở KH&ĐT tiếp tục nắm bắt các dự án trọng điểm để xác định chỉ tiêu tăng trưởng; đồng thời phối hợp các sở, ngành cập nhật kết quả các chỉ tiêu, hoàn thiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Cục Thống kê phối hợp tính toán, đánh giá các chỉ tiêu dự kiến thực hiện năm 2021 và kế hoạch năm 2022.

Về đầu tư công, kết quả hiện nay (đạt 66%) cao hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, một số dự án vẫn không đạt yêu cầu, đặc biệt vốn ODA và vốn ngân sách tỉnh. Các sở, ngành, các Ban quản lý dự án bám sát tiến độ giải ngân để có phương án triển khai kịp thời. Các sở quản lý công trình liên ngành tập trung ưu tiên rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Về Quy hoạch tỉnh, Sở TN&MT tập trung hoàn thiện nội dung phương án phân bổ khoanh vùng đất đai để Sở KH&ĐT hoàn thiện hồ sơ.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.