PGS, TS Nguyễn Huy Bằng - Phó Hiệu trưởng ĐH Vinh, TS. Lê Thị Sao Chi - Phó Viện trưởng Viện Sư phạm xã hội - ĐH Vinh, TS Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, PGS,TS Biện Minh Điền - Viện Sư phạm xã hội - ĐH Vinh, Ths. Bùi Xuân Thập - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh điều hành hội thảo
Tham dự hội thảo còn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh; các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đến từ Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học dân gian Việt Nam và giảng viên, sinh viên các trường đại học trên cả nước.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp các nhà khoa học đến với miền đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh phát biểu chào mừng hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, Huy Cận không chỉ là nhà thơ, nhà văn hoá mà còn là một nhà quản lý có nhiều đóng góp cho Đảng và Nhà nước. Hội thảo được tổ chức với mong muốn sẽ có những phát hiện mới về Huy Cận, đồng thời cũng là dịp để tưởng nhớ, tri ân về những đóng góp to lớn của ông và khơi dậy lòng tự hào của quê hương Hà Tĩnh.
Tham gia hội thảo có 42 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Biện Minh Điền - Viện Sư phạm xã hội - Đại học Vinh khẳng định, khối di sản thi ca và văn hoá, tinh thần Huy Cận để lại có giá trị, ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Hội thảo nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của Huy Cận cho văn hoá, văn học nước nhà đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu, tiếp nhận Huy Cận và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản mà ông để lại.
PGS.TS Biện Minh Điền phát biểu đề dẫn hội thảo
Đề dẫn cũng định hướng một số vấn đề cơ bản mà hội thảo cần làm rõ: Các yếu tố chi phối, ảnh hưởng sâu sắc đến con người, cuộc đời, sự nghiệp văn hoá, văn học của Huy Cận; phong cách và tầm vóc nhà thơ Huy Cận; tầm vóc nhà văn hoá Huy Cận, sức sống của những trang văn Huy Cận với những thông điệp từ “vầng sao và từ mặt đất”.
Hội thảo thu hút nhiều người yêu thơ Hà Tĩnh
Sau báo cáo đề dẫn hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đến từ Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học dân gian Việt Nam và giảng viên các trường đại học trên cả nước đã trình bày tham luận theo chủ đề đưa ra và những gợi ý của chủ trì hội thảo.
TS Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ Huy Cận
9 tham luận trình bày trực tiếp và 33 tham luận gửi về hồi thảo đã tập trung khai thác nhiều vấn đề về con người, cuộc đời, quê hương và sự nghiệp của Nhà thơ Huy Cận, về di sản thi ca và di sản văn hóa tinh thần mà Huy Cận để lại.
Nhà thơ Vũ Quần Phương (Hội Nhà văn Việt Nam) trình bày tham luận "Huy Cận tìm lại mình"
Trong đó, một số tham luận đã làm rõ các yếu tố chi phối, ảnh hưởng sâu sắc đến con người, cuộc đời và sự nghiệp văn hóa, văn học của Huy Cận như: "Dấu quê và đường mạch thơ Huy Cận" của PGS.TS Tôn Phương Lan (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam); “Phong vị quê hương trong thơ Huy Cận” của Nhà văn Đức Ban (Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh), “Vùng quê trong sáng tác của Huy Cận” của Nhà nghiên cứu Phạm Quang Ái (Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh).
PGS.TS Tôn Phương Lan (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam) trình bày tham luận "Dấu quê và đường mạch thơ Huy Cận"
Mối quan hệ giữa hoạt động “chính trường” và hoạt động văn hóa, văn nghệ của Huy Cận cũng được đề cập đến trong các tham luận: “Huy Cận – Nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc” của PGS. TS Trần Khánh Thành (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Phong cách và tầm vóc nhà thơ Huy Cận qua từng thời kỳ, toàn bộ hành trình thơ cùng những đóng góp của Huy Cận cho thơ Việt Nam hiện đại đã được thể hiện nổi bật trong các tham luận: “Người đương thời Thơ mới bàn về Thơ Huy Cận” của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), “Thơ Huy Cận trong tiếp nhận của lý luận, phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975” của PGS.TS Trần Hoài Anh (Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh).
PGS.TS Trần Khánh Thành (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận "Huy Cận - Nhà thơ, nhà hoạt động văn hoá sâu sắc"
Về tầm vóc của Nhà thơ Huy Cận, những đóng góp trên phương diện lý thuyết, hoạt động thực tiễn, ứng xử của Huy Cận trước yêu cầu của thời đại, dân tộc và quốc tế cũng đã được làm sáng tỏ qua các tham luận như: “Thơ Huy Cận nhìn từ hành trình chữ Tôi” của PGS.TS Đỗ Lai Thúy, “Phong vị Đường thi trong thơ Huy Cận” của PGS.TS Nguyễn Công Lý – Nguyễn Công Thanh Dung (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), "Cây sự sống và cơ chế sáng tạo của Huy Cận ở tập thơ Lửa thiêng" của PGS.TS Phan Huy Dũng (Đại học Vinh), “Nhà thơ Huy Cận và những giai thoại” của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thư Hiền…
PGS.TS Phan Huy Dũng (Đại học Vinh) trình bày tham luận "Cây sự sống và cơ chế sáng tạo của Huy Cận ở tập thơ Lửa thiêng
Một số tham luận cũng đã làm nổi bật sức sống của những trang văn Huy Cận với những thông điệp “từ vầng sao và từ mặt đất” như: “Kinh cầu tự của Huy Cận – gợi dẫn về những đường biên” của Thạc sĩ Hồ Thị Vân Anh – Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà (Viện Sư phạm xã hội, Đại học Vinh), “Phê bình và tiểu luận văn hóa, văn học của Huy Cận” của Tiến sĩ Biện Thị Quỳnh Nga (Viện Sư phạm xã hội, Đại học Vinh).
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu, các nhà nghiên cứu trao đổi bên lề về những giá trị Huy Cận để lại
Tổng kết hội thảo, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Bùi Xuân Thập cho rằng, hội thảo tiếp tục làm nổi bật Huy Cận là một nhà thơ lớn của dân tộc, là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam sau năm 1945, là một nhà văn hoá, một nhà quản lý xuất sắc.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Bùi Xuân Thập phát biểu tổng kết hội thảo
Huy Cận còn là một tác giả văn xuôi với những trang văn "thắp lửa", có ý nghĩa đối với xã hội hiện nay. Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiếp cận Huy Cận trên nhiều lĩnh vực, góc độ nào cũng cho thấy sự trân trọng, biết ơn, tự hào đối với Huy Cận.
Với những kết quả đã đạt được, hy vọng hội thảo sẽ mở ra nhiều hướng tiếp cận mới, nhiều góc nhìn nhận, đánh giá mới về sự nghiệp, con người Huy Cận trong thời gian tới.