Thời gian này, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), trường nghề trên địa bàn tỉnh đang tranh thủ mọi thời gian, đồng hành với học sinh 12 nhằm giúp các em thực hiện tốt mục tiêu đỗ tốt nghiệp THPT để mở rộng cánh cửa tìm kiếm việc làm phù hợp.
Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cẩm Xuyên, việc chuẩn bị kiến thức cho 108 học sinh lớp 12 trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đang được các thầy cô giáo chăm chút hằng ngày.
Thầy Phan Xuân Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm 2023, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của trung tâm đạt 100%. Đó là niềm vui nhưng cũng là áp lực để chúng tôi càng thêm cố gắng trong năm học này. Trên cơ sở kết quả khảo sát chất lượng đầu năm, đơn vị đã phân nhóm học sinh để xây dựng nội dung, kế hoạch giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Cùng đó, chúng tôi tăng cường công tác phối hợp với các trường THPT trên địa bàn để có sự hỗ trợ về chuyên môn, tập huấn, xây dựng kế hoạch dạy học và tăng cường giáo viên ôn tập cho học sinh lớp 12”.
Trên thực tế, việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các trung tâm giáo GDNN-GDTX trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu giáo viên văn hóa; cơ sở vật chất, phòng học còn thiếu thốn; đầu vào thấp, phần lớn học sinh vào học đều mang tư tưởng học nghề nên thường chểnh mảng học văn hóa… Thực trạng đó đòi hỏi cán bộ, giáo viên các trung tâm phải nỗ lực rất nhiều.
Thầy Lê Sỹ Đài - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lộc Hà chia sẻ: “Đơn vị hiện có 6 giáo viên tăng cường nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu dạy học như mong muốn. Ngoài ra, cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học không đủ nên phải bố trí học 2 ca. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khối 12, chúng tôi luôn ưu tiên dành mọi thứ tốt nhất cho các em. Trung tâm cũng cố gắng điều chỉnh kế hoạch, hoàn thành sớm chương trình học nghề, dành nhiều thời gian ôn luyện, chuẩn bị kiến thức cho các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Quá trình này, giáo viên luôn theo dõi sát sao để đánh giá năng lực học sinh, kịp thời điều chỉnh chương trình phù hợp. Có những học sinh nghỉ học, giáo viên phải đến tận nhà động viên, phối hợp với phụ huynh để duy trì tỷ lệ chuyên cần. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những sự động viên, khích lệ kịp thời khi các em có được thành tích tốt”.
Ngày thi càng đến gần, áp lực với cán bộ giáo viên các trung tâm GDNN-GDTX càng lớn. Nỗi lo đã trở thành động lực, quyết tâm cho mỗi cán bộ, giáo viên trong quá trình điều chỉnh kế hoạch dạy học, tăng giờ, tận dụng mọi thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, việc củng cố, tích lũy kiến thức cho 345 học sinh lớp 12 cũng đang được đặc biệt quan tâm. “Thời gian qua, chúng tôi đã mời các giáo viên có kinh nghiệm trong việc giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp ở các trường THPT trên địa bàn lân cận tăng cường hỗ trợ nhà trường. Trong giảng dạy, ôn tập, trường chú trọng củng cố vững chắc kiến thức cơ bản cho các em, bám sát cấu trúc đề minh họa, đồng thời tổ chức các đợt thi thử cho học sinh tập dượt, làm quen và rút kinh nghiệm trong quá trình làm bài”, cô Trần Thị Dung - Trưởng phòng Bổ túc THPT, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh thông tin.
Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, nỗ lực của các trung tâm, trường nghề, gần 2.800 học sinh hệ GDTX Hà Tĩnh đang tranh thủ thời gian, chuẩn bị kiến thức một cách vững vàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Để nâng cao chất lượng đầu ra cho học sinh hệ GDTX, thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trung tâm GDTX-GDNN, các trường nghề thực hiện nhiều giải pháp trong đổi mới phương pháp, tập trung nâng cao chất lượng dạy học, ôn tập. Bên cạnh việc điều động biệt phái giáo viên tăng cường cho các đơn vị, Sở đã chỉ đạo các trường THPT công lập phối hợp, giúp các trung tâm trong sinh hoạt chuyên môn, tổ chức dạy học. Hoạt động này triển khai từ năm học 2021 - 2022 lại nay và nhận được phản hồi tích cực từ các trung tâm, nhờ đó, chất lượng đầu ra của học sinh GDTX ngày càng được cải thiện.
Ông Nguyễn Hồng Cường
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh