Hà Tĩnh tăng cường truyền thông phòng chống tội phạm trên mạng Internet

(Baohatinh.vn) - Trước thực trạng các vụ lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp, tinh vi hơn, các địa phương, cơ quan liên quan ở Hà Tĩnh đang tăng cường truyền thông cảnh báo, ngăn chặn.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra khá nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội, gây thiệt hại cho người dân hàng chục tỷ đồng. Các vụ việc xảy ra ngày càng tinh vi với nhiều chiêu trò, khiến người dân mất cảnh giác, rơi vào các vòng xoáy lừa đảo.

Đặc biệt, bên cạnh nhiều vụ việc được người dân trình báo lên cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều vụ việc vì những lý do chủ quan, người dân không trình báo, điều này bất lợi và tăng thêm cơ hội cho đối tượng lừa đảo.

Để góp phần ngăn chặn các vụ lừa đảo qua mạng, thời gian qua, lực lượng công an, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực truyền thông, cảnh báo các chiêu thức lừa đảo để người dân biết và phòng tránh.

Hà Tĩnh tăng cường truyền thông phòng chống tội phạm trên mạng Internet

24 hình thức lừa đảo qua mạng và “5 không” được Cục An toàn thông tin tổng hợp.

Ông Phan Anh Tú - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xây dựng các chuyên đề phát thanh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở tại 216 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung truyền thanh giúp người dân nhận diện và cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn, lừa đảo qua mạng xã hội, mạng viễn thông.

Bên cạnh đó đã lồng ghép chuyên đề vào trên 60 lớp tập huấn, đào tạo diễn ra trên địa bàn tỉnh, qua đó trực tiếp phổ biến nâng cao kỹ năng nhận thức cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp về các biện pháp ứng phó với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội. Đồng thời, cơ quan đã biên tập, phát hành gần 50.000 tờ rơi tuyên truyền về các hành vi lừa đảo cấp phát đến tận các thôn xóm, khu dân cư tại 216 xã, phường, thị trấn”.

Cùng với phát tờ rơi, đọc cảnh báo qua loa phát thanh ở các phường, xã, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội.

Hà Tĩnh tăng cường truyền thông phòng chống tội phạm trên mạng Internet

Đoàn viên thanh niên Thạch Hà tìm hiểu các nội dung từ tờ rơi truyền thông phòng chống lừa đảo qua mạng do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) chia sẻ.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân Lê Thị Thanh Tâm cho biết: “Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân tích cực phối hợp với lực lượng công an tổ chức các chuyên đề nói chuyện tại hội nghị báo cáo viên. Đặc biệt, phát huy vai trò các trang thông tin điện tử huyện, các trang facebook, nhóm chát facebook, zalo của các hội, đoàn thể và các trang do Ban Tuyên giáo quản lý chúng tôi đều giới thiệu và cảnh báo các nội dung để người dân được biết, phòng tránh".

Cùng đó, cấp ủy các địa phương cũng chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, đoàn viên về phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại, cách thức phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên Internet và không gian mạng thông qua hội họp, sinh hoạt, tham gia các hoạt động, phong trào... Quán triệt hội viên, đoàn viên, công nhân viên, người lao động nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tài sản, nghiêm cấm tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hà Tĩnh tăng cường truyền thông phòng chống tội phạm trên mạng Internet

Dịp kỷ niệm 20/10 vừa qua, Hội LHPN phường Thạch Linh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho hơn 300 hội viên, cán bộ hội.

Bà Võ Thị Mai - Chủ tịch Hội LHPN phường Thạch Linh chia sẻ: “Vừa qua nhân tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống của hội, chúng tôi đã tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho hơn 300 hội viên, cán bộ hội. Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt chi hội, trên các nhóm zalo, facebook của hội, chi hội cũng thường xuyên đăng tải các nội dung liên quan để hội viên nâng cao nhận thức và kịp thời cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo”.

Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, ông Phạm Văn Báu - Chánh Thanh tra Sở TT&TT cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet để tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân. Dự kiến tháng 11/2023, đơn vị sẽ phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn thông tin tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet”.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều đang tích cực vào cuộc tuyên truyền, góp phần giảm thiểu những thiệt hại cho người dân từ các vụ lừa đảo, mong rằng, mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức, nhận thức để tránh các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.