Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

(Baohatinh.vn) - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15/7/2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo một số sở, ngành kiểm tra hoạt động xây dựng NTM tại huyện Kỳ Anh.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 171/182 xã (tỷ lệ 94%) đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 747 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 7.244 vườn mẫu đạt chuẩn; 8/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cấp. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả quan trọng; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; các tiến bộ khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Quan điểm của nghị quyết

Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quyết định số 2114/QĐ-TTg, ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”.

Nghi Xuân - huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Tĩnh.

Phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa nhiệm vụ xây dựng tỉnh nông thôn mới với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo định hướng các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm, các đột phá chiến lược đã được đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Xác định tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân là nội dung cốt lõi, trọng tâm của mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân; huy động các thành phần kinh tế, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của người dân, vai trò của kinh tế tư nhân trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc.

Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao; tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thực chất, hiệu quả; lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực.

Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các địa bàn kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Mục tiêu của nghị quyết

Phát triển vùng nông thôn đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Đường về xã nông thôn mới nâng cao Tượng Sơn (Thạch Hà). Ảnh tư liệu

Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, liên kết vùng thuận lợi và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ số. Tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp của làng quê, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2025, Hà Tĩnh được công nhận “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”.

Các chỉ tiêu cơ bản của nghị quyết

Hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg, ngày 16/12/2020, cụ thể đến năm 2025:

- 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.

- 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3%/năm; có ít nhất trên 200 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, trên 5% số sản phẩm đạt 5 sao.

- 100% di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả; 100% số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phổ biến trong cộng đồng; có từ 1 - 2 di sản trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng Bắc Trung Bộ.

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%.

- Tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; trên 80% số hộ gia đình có nước thải sinh hoạt được xử lý bằng các biện pháp phù hợp, trong đó có 35% xử lý theo mô hình khoa học, công nghệ; 55% hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, trong đó ít nhất 50% từ công trình nước sạch tập trung; các nguồn phát sinh ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được quản lý theo quy định; tối thiểu 80% hộ gia đình ở nông thôn có nhà vệ sinh tự hoại.

-Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận và thụ lý; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt loại khá; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 85%.

Bưởi Phúc Trạch - đặc sản của Hà Tĩnh đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Ảnh tư liệu

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị và Nhân dân toàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lộ trình xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg, ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tiếp tục khơi dậy khát vọng, phát huy tinh thần tự chủ, ý chí tự lực, tự cường và nội lực của người dân; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ mặt trận và các đoàn thể đóng vai trò tích cực trong vận động người dân thay đổi tư duy, nếp nghĩ để xây dựng khu dân cư văn hóa. Ảnh tư liệu

2. Chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa các nội dung Đề án Thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới

2.1. Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế nông thôn bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành nghề có lợi thế.

Phát triển các sản phẩm chủ lực có tiềm năng của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân phát triển; ưu tiên thúc đẩy chế biến sâu, bảo quản, kết nối với chuỗi cung ứng, hình thành nhóm sản phẩm chủ lực theo 3 cấp độ: quốc gia, cấp tỉnh và đặc thù vùng, miền; phấn đấu có một số sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện để xuất khẩu. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm truyền thống gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; quan tâm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tổ chức các chương trình tập huấn, cung cấp kiến thức, nâng cao trình độ cho người dân khu vực nông thôn trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.

2.2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong giai đoạn mới đảm bảo tính kết nối, đồng bộ. Tập trung nâng cao chất lượng đạt chuẩn, nâng cấp các tiêu chí ở các thôn, xã, huyện, đảm bảo bền vững; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; ưu tiên nguồn lực thực hiện hoàn thành các tiêu chí ở các xã, huyện chưa đạt chuẩn.

Các huyện, xã chủ động soát xét các nội dung, tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo thực chất, có kế hoạch cụ thể, chủ động cân đối nguồn lực để đạt mục tiêu theo lộ trình. Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới, ưu tiên đỡ đầu các huyện, xã, địa bàn còn khó khăn.

Nước mắm Phú Khương (huyện Kỳ Anh) - sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu

2.3. Hoàn thiện các tiêu chí cấp tỉnh, trong đó quan tâm ưu tiên phát triển các hạ tầng trọng yếu, đảm bảo kết nối đồng bộ, hài hòa giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng khó khăn với vùng động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông.

Xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; khẩn trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt có công nghệ hiện đại và xử lý nước thải sinh hoạt theo quy mô phù hợp; đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển nông thôn thành các vùng quê “trù phú, hòa thuận, văn minh, an toàn”.

Tập trung thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, nghiên cứu xây dựng mô hình xã nông thôn mới sinh thái, thông minh, khu dân cư sinh thái, thông minh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; gìn giữ, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch; khơi dậy, phát triển các giá trị chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.

Ưu tiên bố trí nguồn lực và huy động xã hội hóa triển khai ứng dụng các nền tảng khoa học, công nghệ hiện đại để phát triển y tế thông minh, giáo dục thông minh, đô thị thông minh, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.4. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã để hoàn thiện các tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Lồng ghép nguồn vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm.

Người dân thôn Đông Vĩnh (Mai Phụ - Lộc Hà) gấp rút chỉnh trang vườn hộ, mở đường, làm hàng rào xanh... với mong muốn được công nhận khu dân cư kiểu mẫu trong tháng 7/2021.

Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp theo hướng tạo động lực, ưu tiên các địa phương chưa đạt chuẩn; tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, các tiêu chí cần nguồn lực lớn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Thường xuyên rà soát, củng cố các tiêu chí đã đạt chuẩn; thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn nếu các tiêu chí không còn đảm bảo.

Đa dạng hóa các hình thức vận động xúc tiến, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đô thị động lực, văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo, môi trường, hạ tầng điện, viễn thông...

Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là các bộ, ngành theo Tiêu chí phụ trách trong việc ưu tiên bố trí, lồng ghép các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chủ động kêu gọi, phát huy nguồn lực của con em Hà Tĩnh trong và ngoài nước tham gia thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.

2.5. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc; không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.

3. Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

3.1. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; kiện toàn hệ thống ban chỉ đạo, tổ công tác các cấp, các sở, ngành đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở.

Đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ, nhất là việc điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương.

3.2. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng nông thôn mới.

3.3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; kịp thời sơ, tổng kết thực tiễn, bổ sung giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

3.4. Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò chủ thể trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng.

Tổ chức thực hiện

Các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết và Quyết định số 2114/QĐ-TTg, ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết gắn với Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Gắn kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới với công tác đánh giá, xếp loại các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ hằng năm. Các huyện, thành, thị ủy chỉ đạo xây dựng, bổ sung, ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; định kỳ hằng quý, sáu tháng và hằng năm đánh giá việc thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bổ sung các giải pháp phù hợp, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong quá trình thực hiện.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hóa Nghị quyết và Đề án; chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp đồng bộ; cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn mới của bộ, ngành Trung ương để thống nhất quản lý và thực hiện trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương trong quá trình thực hiện Nghị quyết và Đề án tỉnh nông thôn mới.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Trung ương, của tỉnh; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện trong xây dựng nông thôn mới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết, Đề án, cơ chế, chính sách của tỉnh về xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Trường Chính trị Trần Phú chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh biên soạn tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn về xây dựng nông thôn mới.

Toàn văn Nghị quyết mời xem tại đây.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói