Hà Tĩnh: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm 2022 đến nay, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố 26 vụ với tổng số 136 bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại tăng 57 bị can. Đặc biệt, các vụ lừa đảo trên không gian mạng gia tăng về tính chất phức tạp.

Hà Tĩnh: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp

Lê Bá Hải (ảnh nhỏ) và các đối tượng trong nhóm lừa đảo bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ.

Theo thống kê của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã truy tố 26 vụ với tổng số 136 bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy giảm về số vụ nhưng loại tội phạm này lại tăng về số bị can (giảm 11 vụ tăng 57 bị can so với cùng kỳ) và diễn biến ngày càng phức tạp.

Điển hình, tháng 1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố vụ án hình sự và khởi tố Lê Bá Hải (SN 1990, nơi cư trú: thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; nơi ở trước khi bị bắt: phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cùng 41 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã phát hiện một đường dây tội phạm hoạt động lừa đảo qua mạng với quy mô rất lớn nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh triệt xóa.

Từ khoảng tháng 6/2021- tháng 1/2022, Lê Bá Hải cùng đồng bọn đã tham gia hoạt động lừa đảo qua mạng rồi tổ chức thành các nhóm hoạt động ở địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa theo mô hình công ty có nhiều văn phòng hoạt động trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tuyển cộng tác viên (CTV) bán bản vẽ thi công công trình qua mạng internet.

Qua kết quả điều tra, nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 5.000 người bị hại ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Tĩnh với số tiền chiếm đoạt ước tính hơn 100 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp

Trần Đình Tài (áo đen, ngoài cùng bên trái, hàng thứ nhất) và 7 đồng phạm tại phiên xử sơ thẩm.

Tháng 4/2022, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hiếu (SN 1983, trú tại 78/29/14 đường Khánh Hội, phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh) và 7 đồng phạm, đã lừa đảo trúng thưởng thông qua việc mua hàng trực tuyến; bước đầu xác định hơn 130 người bị hại với số tiền bị chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng... Vụ án này được phát hiện từ nguồn tin của một bị hại trên địa bàn Hà Tĩnh, sau đó Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đã xác minh làm rõ hành vi của Hiếu cùng đồng bọn.

Tính từ đầu năm lại nay, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử 3 vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội. Trong các vụ án này, các bị cáo đều sử dụng chung cách thức là đặt mua mỹ phẩm giả, rồi để đăng tải các bài quảng cáo bán mỹ phẩm chính hãng trên facebook. Đồng thời, đưa ra các thông tin hấp dẫn để đăng tuyển cộng tác viên (CTV) bán mỹ phẩm qua facebook như: cho phép CTV bán cho khách hàng với giá cao hơn giá “công ty” niêm yết để ăn chênh lệch, được trả tiền khi đăng bài quảng cáo…

Điển hình là vụ án Trần Đình Tài (SN 1996, trú xã Sơn Bình, Hương Sơn) cùng 7 đồng phạm đã chiếm đoạt gần 183 triệu đồng của 20 bị hại từ các tỉnh thành khác nhau trên cả nước và bị TAND tỉnh xử phạt 142 tháng tù, Trần Quốc Hoàn (SN 1995, trú xã La Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) và 4 đồng phạm tổng mức hình phạt 399 tháng tù về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 335 triệu đồng của 55 bị hại….

Hà Tĩnh: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp

Chỉ tính riêng trong tháng 6 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử 3 vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.

Thẩm phán – Chánh tòa dân sự (TAND tỉnh) Nguyễn Thị Bích Đào thông tin: “Qua công tác xét xử cho thấy, hầu hết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đều diễn ra với cùng một hình thức, thủ đoạn: đó là bị cáo thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng, thậm chí là sự hám lời của bị hại để thực hiện hành vi.

Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới, lực lượng chức năng cũng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng…”.

Hà Tĩnh: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp

Trần Thị Bích Nhân - đối tượng thực hiện 6 vụ lừa đảo trên không gian mạng đối với các bị hại ở Hà Tĩnh để chiếm đoạt hơn 280 triệu đồng (3/2022) bị bắt giữ.

Từ tháng 7/2021 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05-Công an Hà Tĩnh) đã đấu tranh, triệt phá, phối hợp cơ quan điều tra các cấp tiến hành khởi tố 7 vụ án/9 đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Trong đó có vụ phát hiện đối tượng Trần Trung Kiên (SN 2004, trú tại xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) lập tài khoản Facebook mang tên “Nguyễn Phi Hùng” và Zalo mang tên “Giàng A Pháo”, đăng tải một số bài viết, hình ảnh có liên quan đến buôn bán pháo hoa nhằm mục đích lừa đảo. Trong khoảng từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, Kiên đã lừa đảo khoảng 100 người, chiếm đoạt gần 200 triệu đồng với hình thức nhận tiền cọc mua bán pháo hoa.

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh phân tích: “Các thông tin, tài khoản trên mạng xã hội được các đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều là tài khoản ảo, vì thế, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ, truy tìm, truy vết để đấu tranh, triệt phá”.

Hà Tĩnh: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Viện KSND tỉnh đã đánh giá: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy giảm về số vụ nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Thị Quỳnh Hoa nhấn mạnh: “Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, các ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác.

Về phía người dân, không nên cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đưa lên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã OTP của ngân hàng, ví điện tử cho người khác; không click vào những đường link lạ, có chứa mã độc trên các website…”.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.