Mới đây, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Do Hyon đã cung cấp một thông tin rất đáng chú ý, đó là tàu tuần tra Yeosu (PCC-765) lớp Pohang đã rời cảng và dự kiến sẽ đến Đà Nẵng vào cuối tháng 10 này để bàn giao cho Hải quân Việt Nam.
Như vậy, tàu Yeosu sẽ là chiếc Pohang thứ hai gia nhập biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam sau tàu Gimcheon (PCC-761) đã được tiếp nhận từ năm 2016 và mang số hiệu mới là 18.
Tàu hộ vệ Yeosu mà Hải quân Việt Nam sắp nhận chính thức vào biên chế ngày 30/11/1986, nghỉ hưu hôm 27/12/2017 và nằm trong thành phần hạm đội dự bị của Hải quân Hàn Quốc.
Tuy rằng Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Do Hyon thông báo rằng tàu Yeosu đã rời cảng để lên đường tới Việt Nam nhưng thực tế lại có một chút khác biệt.
Khi tàu 015 - Trần Hưng Đạo tới Jeju để tham dự lễ duyệt binh tàu chiến, neo đậu cạnh chiến hạm của chúng ta là một tàu hộ vệ thuộc lớp Pohang, điều gây ngạc nhiên là nó đã treo cờ Việt Nam trên tháp radar
Điều quan trọng nữa là so với tàu 18 vốn là chiếc Gimcheon (PCC-761) thì tàu Yeosu được chuyển giao lại với hệ thống vũ khí trang bị gần như còn nguyên vẹn.
Ngoài bệ phóng ngư lôi săn ngầm Mk 32 cỡ 324 mm bị tháo bỏ thì 2 khẩu pháo Oto Melara Compact cỡ 76,2 mm cùng 2 pháo phòng không Otobreda 40 mm vẫn được giữ nguyên.
Trước đây khi về Việt Nam, tàu 18 chỉ còn 1 pháo Oto Melara Compact phía trước cùng 1 phái Otobreda phía sau, ngoài ra bổ sung thêm một khẩu Sea Vulcan cỡ 20 mm.
Thủy thủ đoàn Việt Nam hiện đã có mặt trên tàu Yeosu (hiện đã mang số hiệu 20) để chính thức tiếp nhận, dự kiến con tàu sẽ theo chân tàu hộ vệ 015 - Trần Hưng Đạo về nước.
Điều cần lưu tâm nữa là cũng trong ngày 27/12/2017 còn có 2 chiến hạm khác của Hàn Quốc cũng được rút khỏi thành phần tác chiến, đó là tàu Jinhae (PCC-766) lớp Pohang và chiếc Chungnam (FF-953) lớp Ulsan.
Việt Nam hiện vẫn đang đề nghị được nhận thêm một số tàu chiến đã qua sử dụng của Hàn Quốc, với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia hiện nay thì không loại trừ khả năng sẽ có thêm một số chiếc Pohang hay Ulsan sớm hành trình tới Dải đất hình chữ S.
Đây được xem là hướng đi đúng đắn của Việt Nam nhằm nhanh chóng gia tăng số lượng cũng như sức mạnh của hạm đội tàu mặt nước khi ngân sách chưa cho phép đóng mới liên tục.
Những chiến hạm cũ của Hàn Quốc do tình trạng khung vỏ còn khá tốt cho nên hoàn toàn có thể nghĩ tới việc nâng cấp để sử dụng thêm một thời gian dài nữa.