Hậu chia tay, có nên làm bạn với người yêu cũ?

Quyết định “đường ai nấy đi” thường khiến cả hai cảm thấy tổn thương và đau lòng. Nhưng để giữ được tình bạn với người yêu cũ còn khó khăn hơn, đòi hỏi rất nhiều cố gắng.

Trong nhiều trường hợp, hai người từng là bạn trước khi tiến đến yêu đương. Cả hai có thể cùng chung một hội bạn thân, một môi trường sống hoặc làm việc. Chính vì thế, việc phải chấm dứt hoàn toàn việc gặp gỡ có thể gây ra những tình huống khó xử và rạn nứt không cần thiết. Thế nhưng đâu là những quy tắc cần thiết để có thể duy trì loại tình bạn phức tạp này? Hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây.

1. Cho nhau một khoảng thời gian nghỉ

Nếu nghĩ rằng bạn và người yêu cũ có thể ngay lập tức làm bạn sau chia tay, bạn đã nhầm rồi. Cần có một khoảng thời gian để đôi bên chấp nhận sự thật rằng hai người đã không còn sở hữu mối quan hệ lãng mạn, không còn những cử chỉ âu yếm hay dành nhiều thời gian để đi chơi mỗi ngày.

Hai bạn phải cho nhau cơ hội để làm quen với trạng thái cảm xúc mới, để xác định rằng có khả năng trở lại thành bạn với đối phương hay không. Bằng không, nếu quá vội vã, cơ hội làm bạn có thể sẽ bị huỷ hoại.

2. Thành thật với nhau

Không chỉ riêng tình bạn, bất kỳ mối quan hệ nào nếu muốn bền chặt đều yêu cầu sự trung thực. Không chỉ là trung thực khi nói về mối quan hệ của hai bạn với người khác, bạn cũng cần trung thực với cảm xúc của bản thân.

Nếu vẫn còn cảm thấy quá đau buồn, thậm chí chưa vượt qua được cú shock sau chia tay, hay cho đối phương biết. Để người kia hiểu tình hình giữa hai bạn và có phương án cư xử phù hợp. Không nhất thiết phải tỏ ra ổn nếu bản thân bạn không như vậy.

3. Tạo ranh giới lành mạnh

Khi không còn là người yêu, có những ranh giới cần được thiết lập. Chúng ta đều phải thừa nhận rằng, đã là bạn, dù có thân đến đâu cũng đều có những giới hạn cho riêng mình. Ví dụ như sự động chạm cơ thể hay những chia sẻ quá chi tiết về cuộc sống thường ngày.

4. Tôn trọng cuộc sống cá nhân của nhau

Khi đã không còn dính líu gì đến chuyện tình cảm của đối phương, điều quan trọng là phải tránh xa hết mức cuộc sống cá nhân của nhau. Hai bạn cần tôn trọng không gian cá nhân và cuộc sống của nhau. Việc can thiệp và cố gắng xâm phạm sự riêng tư có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Nếu anh ấy hoặc cô ấy hẹn hò với người mới, thì đó cũng chỉ là vấn đề của họ, đừng can thiệp quá sâu hoặc đưa ra những lời nhận xét không cần thiết.

5. Ngừng việc sở hữu

Thẳng thắn mà nói, chiếm hữu không phải là một điều tích cực trong bất kỳ một mối quan hệ nào. Đặc biệt là khi đã chia tay và quyết định làm bạn, không có lý do gì bạn phải chiếm hữu cả. Bạn không thể yêu cầu người kia dành bao nhiêu thời gian cho bạn một ngày, phải làm những gì bạn thích hoặc phải chiều chuộng bạn như thế nào. Tất cả là quyền tự do của họ.

6. Tránh chơi trò “đổ lỗi”

Kết thúc là kết thúc, trò chơi “đổ lỗi” để khiến đối phương cảm thấy tồi tệ không bao giờ là lựa chọn khôn ngoan. Chỉ vì bạn tổn thương không có nghĩa bạn phải đổ lỗi hoàn toàn cho người yêu cũ. Vì xét cho cùng, dù lỗi của ai, thì mọi chuyện cũng đã chấm dứt. Để có thể hoàn toàn làm bạn, bạn phải học cách quên hết những điều gây khó chịu trong quá khứ và hướng đến những giá trị tốt đẹp trong sáng hơn giữa cả hai. Việc luôn dằn vặt người yêu cũ vì những lỗi lầm trước đây khi cả hai còn yêu nhau sẽ huỷ hoại cơ hội làm bạn.

Không phải tất cả những mối quan hệ yêu đương đều có khả năng “lùi lại một bước” để trở thành bạn bè. Bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai của bản thân. Tuy nhiên nếu biết cách, hai bạn vẫn có thể giữ lại những điều tốt đẹp và giúp đỡ nhau trong cuộc sống sau này./.

Theo Vân Khánh/VOV (Boldsky)

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói