Hãy để trẻ ăn, đừng bắt trẻ ăn!

Biếng ăn là tình trạng ngày càng phổ biến ở trẻ, việc bắt ép trẻ ăn một cách thụ động, căng thẳng không có hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng biếng ăn ở trẻ. Thay vào đó hãy điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tâm lý để trẻ ăn trong điều kiện chủ động và thoải mái.

Biếng ăn ở trẻ nhỏ - ảnh hưởng không nhỏ

Biếng ăn” là từ chung để chỉ những khó khăn khi cho trẻ ăn. Biếng ăn có thể là không chịu ăn, ăn quá ít, thói quen ăn không bình thường như chỉ ăn một loại thức ăn, ăn lâu, ói khi ăn… Tùy theo địa phương mà tỉ lệ trẻ biếng ăn chiếm từ 30-50%.

Biếng ăn dẫn đến không cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể có thể gặp ở trẻ trong mọi lứa tuổi đặc biệt trong giai đoạn 1-6 tuổi... Biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau: trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây… hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn đó có phản ứng buồn nôn hoặc bố, mẹ cho ăn không chịu ăn nhưng người khác cho ăn lại ăn...

Biếng ăn khiến cơ thể không nhận được đầy đủ các dưỡng chất đa, vi lượng cần thiết cho sự phát triển, biếng ăn kéo dài ở trẻ có thể gây những ảnh hưởng trầm trọng, lâu dài đến sự phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ và sức khỏe của trẻ.

Về thể chất: khi biếng ăn, nguồn dinh dưỡng cung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cơ thể, làm quá trình tăng trưởng của cơ thể bị hạn chế, khiến cân nặng, chiều cao của trẻ không đáp ứng tiêu chuẩn phát triển theo độ tuổi. Ngoài ra biếng ăn còn là nguyên nhân của thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như: vitamin A gây khô mắt, ảnh hưởng thị lực, thiếu sắt gây thiếu máu, thiếu canxi gây còi xương… Việc thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn vàng của phát triển ở trẻ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể trạng, tầm vóc của trẻ lúc trưởng thành.

Về trí tuệ: dinh dưỡng là một trong yếu tố quyết định trí tuệ của trẻ (di truyền, dinh dưỡng, học tập rèn luyện). Các nghiên cứu khoa học cho thấy, khi 1 tuổi, kích thước não bộ của bé đã bằng 70% kích thước não người lớn (khoảng 900gr - 1.000gr) và bắt đầu có những ghi nhận thế giới xung quanh một cách rõ nét qua từng ngày. Khi lên 2 - 3 tuổi, não bộ đã hoàn thiện khoảng 80% (khoảng 1.200gr - 1.300gr) so với não của người trưởng thành (khoảng 1.400gr). Biếng ăn dẫn đến thiếu hụt các thành phần dinh dưỡng cần cho sự phát triển não bộ như các acid béo không no (omega 3-6-9), sắt, Taurine, Cholin… có thể để lại những hậu quả nặng nề đến sự phát triển trí tuệ của bé.

Hệ thống miễn dịch của trẻ: khi dinh dưỡng được cung cấp vào cơ thể sẽ được ưu tiên sử dụng cho việc duy trì hoạt động sống, sau đó mới cung cấp cho sự phát triển của cơ thể cũng như hệ thống miễn dịch. Biếng ăn khiến nguồn dinh dưỡng thiếu hụt, không đủ nguyên liệu cung cấp hệ thống miễn dịch làm trẻ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy… Khi trẻ bệnh, trẻ lại dễ bị biếng ăn hơn do đó tạo thành một vòng luẩn quẩn biếng ăn - thiếu dinh dưỡng - bệnh - biếng ăn - thiếu dinh dưỡng…

Phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ: bữa ăn không đơn thuần là quá trình cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn là một hoạt động hành vi, giúp trẻ học hỏi, hoàn thiện các kỹ năng, khả năng giao tiếp. Thông qua hoạt động bữa ăn, sự quan tâm, trò chuyện còn góp phần phát triển trí tuệ cảm xúc, điều chỉnh hành vi, rèn luyện tính kỷ luật cho sự phát triển sau này của trẻ.

Hãy để trẻ ăn – đừng bắt trẻ ăn

Ăn là một hoạt động tương tác phức tạp bao gồm sự tương tác giữa người với người (trẻ với người cho ăn), người với vật (trẻ với thực phẩm), người và môi trường xung quanh (trẻ ăn trong điều kiện nào)… Do đó, việc trẻ ăn ngoan hay biếng ăn do nhiều yếu tố quyết định, việc tìm ra đúng nguyên nhân và khắc phục sẽ cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ, giúp trẻ lấy lại cân bằng ăn uống, biết tự ăn, thèm ăn, chủ động ăn và đòi ăn là một giải pháp hiệu quả và lâu dài hơn so với việc bắt ép trẻ ăn trong trạng thái căng thẳng, thụ động.

Lạm dụng việc vừa cho ăn vừa xem điện thoại khiến trẻ ngày càng biếng ăn

Một số nguyên nhân biếng ăn cho trẻ phổ biến như sau:

- Trẻ bị bệnh nhiễm trùng, bệnh răng miệng, bệnh mãn tính, bệnh lý đường tiêu hóa làm giảm cảm giác thèm ăn cũng như gây cảm giác đau khi trẻ bú hoặc nhai thức ăn.

- Do dinh dưỡng: thức ăn không cân đối thành phần dinh dưỡng đưa đến thiếu vi chất. Cách chế biến thức ăn không phù hợp lứa tuổi, khẩu vị, không đa dạng trong cách chế biến, cho trẻ ăn dăm quá sớm.

- Nguyên nhân liên quan đến hành vi trẻ và hành vi của người cho ăn.

+ Một số cháu không ăn để “chống đối”, “gây chú ý, quan tâm” với cha mẹ.

+ Trẻ đánh mất cảm giác ăn: môt số sai lầm của cha mẹ như cho trẻ ăn bánh kẹo, đồ ăn vặt hay uống sữa trước bữa ăn, ăn quá nhiều đồ ăn vặt trong ngày cũng làm trẻ mất cảm giác đói và từ đó dẫn đến việc trẻ không muốn ăn, không ăn, ăn ít trong bữa ăn chính.

+ Ép trẻ ăn: sau khi vừa khỏi bệnh, hoặc hồi phục sau mọc răng, trẻ chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian cho nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các cháu sợ bữa ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, trẻ lớn hơn thì chạy trốn, nhiều cháu cứ hễ thấy bát bột là khóc, buồn nôn.

+ Lạm dụng các thiết bị điện tử tivi, điện thoại, máy tính bảng để trị bé biếng ăn hoặc cho trẻ tự chơi. Việc vừa cho ăn vừa xem điện thoại lại khiến trẻ ngày càng biếng ăn. Bé không cảm nhận được mùi vị của thức ăn như thế nào, không có hành vi tự đút ăn và rất thụ động trong mỗi bữa ăn. Trẻ cũng không ý thức rằng, mình đang ăn cái gì. Ăn uống không điều độ và đủ chất dinh dưỡng sẽ khiến trẻ thừa chất này, thiếu chất kia.

- Bệnh biếng ăn: trẻ không chịu ăn do quan niệm sai lầm về cơ thể hoặc do tổn thương tâm lý, thường chỉ gặp ở trẻ lớn.

- Do nhận thức sai lệch về tình trạng “biếng ăn” của trẻ: trẻ phát triển bình thường, ngon miệng khi ăn, trẻ ăn đủ theo nhu cầu nhưng không theo ý muốn của cha mẹ.

Mỗi một tình trạng biếng ăn của mỗi trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, mỗi phụ huynh cần quan sát, tìm hiểu để xác định đúng nguyên nhân cho vấn đề của con em mình, tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý để có những biện pháp tư vấn và hỗ trợ phù hợp.

BS.CKII. Hoàng Thị Tín/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói