Trẻ chậm lớn khi mẹ “quên” bổ sung vi chất dinh dưỡng

(Baohatinh.vn) - Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay không ít người làm mẹ nói chung, ở Hà Tĩnh nói riêng chưa chú trọng đến điều này.

Trẻ chậm lớn khi mẹ “quên” bổ sung vi chất dinh dưỡng

Đưa trẻ tiêm phòng, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế sẽ hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em.

Chị Nguyễn Thanh H. (thôn 7, thị trấn Lộc Hà) có con 5 tuổi nhưng cân nặng của bé chỉ được 12 kg và chiều cao chỉ được 75cm. Chị H. cho biết: “Con tôi khi sinh ra đủ tháng, nặng 3kg, giai đoạn tôi đang ở nhà chăm con thì nó bụ bẫm lắm. Nhưng, sau khi sinh 2 tháng tôi đi làm, từ đó sữa cũng mất dần, tôi thường mua cháo cho cháu ăn nên cháu thường đau ốm và sức khỏe yếu như thế này”. Tình trạng của con chị H. cũng là thực trạng của nhiều trẻ ở vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có hơn 50% trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi thiếu vi chất nghiêm trọng như: vitamin A, B1, C, D và sắt.

Còn tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh, năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân là 8,9%; thể thấp còi 14,3%.

Thiếu vi chất dinh dưỡng, trẻ thường bị suy dinh dưỡng, thấp còi; thiếu máu dinh dưỡng; bướu cổ và các bệnh về mắt… Từ đó khiến trẻ kém hoạt bát, thiếu tập trung, sức đề kháng yếu nên thường mắc các bệnh nhiễm khuẩn; bị còi xương, chậm lớn..

Trẻ chậm lớn khi mẹ “quên” bổ sung vi chất dinh dưỡng

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh tư vấn cho mẹ cách chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng.

Để hạn chế tình trạng trẻ thiếu vi chất, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, theo Thạc sỹ Hoàng Văn Sơn - Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh, cần khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh; trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Trẻ trong độ tuổi uống vitamin A cần quan tâm cho uống liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa.

Thạc sỹ Hoàng Văn Sơn cho biết: “Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng của Việt Nam. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm, đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày của con có các loại thực phẩm có thể bổ sung các vi chất cần thiết.

Trẻ chậm lớn khi mẹ “quên” bổ sung vi chất dinh dưỡng

Cho trẻ uống VitaminA và thuốc tẩy giun tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Can Lộc.

Để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, hàng năm ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện chương trình như: phòng chống thiếu vitamin A; phòng chống bệnh giun sán; phòng chống rối loạn do thiếu iốt; phòng chống thiếu máu dinh dưỡng; hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, cho con bú, có con dưới 5 tuổi.

Người mẹ cần chú ý tìm hiểu, áp dụng cho bản thân và cho con tham gia đầy đủ các chương trình này để hạn chế tình trạng trẻ thiếu vi chất, ảnh hưởng tới quá trình phát triển.

Các thực phẩm chứa nhiều canxi gồm: tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi.

Thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo...

Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải...

Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn, gấc, cà rốt, bí đỏ…

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.