Hệ thống chính trị đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2023.

Ngày 12/10/2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2023. Cùng dự, có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; giám đốc (thủ trưởng) các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; bí thư huyện ủy, thành ủy, thị ủy; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh, đại diện các hội doanh nghiệp... cùng hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống chính trị đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân bên lề hội nghị gặp mặt, đối thoại ngày 12/10

Trước hội nghị đã có 84 nội dung kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đến 8 nhóm vấn đề, lĩnh vực gửi về Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư). UBND tỉnh đã có Văn bản số 5265/UBND-KT2 ngày 27/9/2023 chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trả lời, làm rõ về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tại hội nghị, đã có 9 ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận của các hiệp hội, hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, hợp tác xã. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, cởi mở, các vấn đề đã được Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc (thủ trưởng) các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan giải đáp, trả lời trực tiếp tại hội nghị.

Kết thúc hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và trân trọng cảm ơn những đóng góp cũng như những kết quả đạt được của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà giữa bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời, cảm ơn các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đóng góp ý kiến cụ thể về những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị một số giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.

Sau hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư, nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu, tìm hiểu các dự án lớn về các lĩnh vực trọng điểm như: hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics...; cùng với việc nước ta đang hợp tác ngày càng sâu rộng với nhiều quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhiều hiệp định thương mại tự do và các hiệp định song phương, đa phương được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới, sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà tìm kiếm, liên kết tham gia vào chuỗi giá trị. Vì vậy, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà là rất cần thiết để tạo mọi điều kiện thuận lợi, đúng quy định, tạo đà, tạo thế cho các doanh nghiệp liên kết, tìm kiếm đầu tư, hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh các vấn đề cần thống nhất, đặc biệt là các vấn đề trọng tâm cần phải triển khai thực hiện, cụ thể:

Toàn thể hệ thống chính trị, chính quyền các cấp phải thống nhất nhận thức, phải có trách nhiệm đồng hành với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, xác định: Doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng; là động lực, cầu nối để tỉnh khai thác được các tiềm năng lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, phát huy các trụ cột kinh tế, để tỉnh vươn lên trở thành tỉnh khá khu vực Bắc Trung Bộ. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư và sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp (cải cách hành chính, thủ tục đầu tư, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cung ứng vật liệu xây dựng, giá vật liệu xây dựng, môi trường...); tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn, cản trở các hoạch định của doanh nghiệp.

Hệ thống chính trị đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp

Cảng Vũng Áng

Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

Triển khai cụ thể hóa các nội dung Quy hoạch tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai, rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp biết, tham gia thực hiện; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quy hoạch tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư kinh doanh: Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công tác, tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh; khơi thông, dẫn dắt nguồn lực cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và xử lý kịp thời, đúng quy định các phản ảnh của doanh nghiệp qua đường dây nóng.

Tập trung triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước: Chủ tịch UBND tỉn giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao: Năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa đối tác kinh doanh trong và ngoài nước; Năng lực ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong tiếp cận thị trường; Tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư: Các sở, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp để nâng cao các bộ chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Triển khai hiệu quả Bộ chỉ số DDCI năm 2023 để đánh giá về năng lực điều hành, quản trị và hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường hiệu quả, chất lượng đối với công tác lập quy hoạch, rà soát các quy hoạch ngành liên quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đối với các doanh nghiệp. Thanh tra tỉnh soát xét, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; không được trùng lặp, chồng chéo, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.

Tập trung huy động các nguồn lực cho tăng trưởng phát triển kinh tế, chuyển đổi số, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ đào tạo, kết nối, cung ứng nguồn lao động có chất lượng. Đề xuất phương án, chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; kết nối doanh nghiệp, người lao động và cơ sở đào tạo để đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua các chính sách, các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; quan tâm áp dụng chính sách đối với các đối tượng là doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Tĩnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ lãi suất của Trung ương.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư) và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai các giải pháp thu hút đầu tư theo đúng định hướng tại Quy hoạch tỉnh, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư lớn, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp... tạo động lực phát triển lan tỏa, tạo môi trường cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giám đốc (thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát, tổng hợp, trả lời các nội dung kiến nghị khác của doanh nghiệp, gửi văn bản trả lời đến các doanh nghiệp và Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư) để đăng tải lên diễn đàn “Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời” và báo cáo UBND tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư) thường xuyên theo dõi, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời, theo dõi việc giải quyết vướng mắc, kiến nghị cho doanh nghiệp, hợp tác xã của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các nội dung liên quan. Cập nhật, đăng tải tất cả các đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã và nội dung trả lời của cơ quan quản lý Nhà nước lên Diễn đàn “Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời” để các doanh nghiệp có thể trực tiếp khai thác, nghiên cứu và có phản hồi.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh, các hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà chủ động nắm bắt cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt với tình hình mới; có chiến lược, kế hoạch đầu tư kinh doanh, chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để phát triển bền vững; tăng cường năng lực kết nối với các nhà đầu tư, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là kết nối tham gia vào lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ. Đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn, tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường; bảo đảm quyền lợi cho người lao động; quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; luôn đồng hành cùng tỉnh nhà trong phục hồi, phát triển kinh tế và nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội, cộng đồng và xây dựng nông thôn mới.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh và các hội doanh nghiệp, ngày càng phải phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm thúc đẩy hợp tác, bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp; tham gia phản biện với chính quyền; phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; là chỗ dựa vững chắc, tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.