Thế nào là viêm bao gân gấp ngón tay?
Đây là một chứng viêm hình thành ở vị trí khớp nối giữa ngón tay với bàn tay, nó thuộc về chứng viêm không do vi khuẩn. Bao gân là một kết cấu dạng túi bao quanh các gân cơ, giúp toàn bộ gân và cơ cố định trên mô xương, ngăn ngừa các cơ gân bị giãn lỏng hoặc “trượt” sang hai bên ngón tay.
Trong tình trạng các cơ gân bị ma sát quá mức sẽ dẫn đến chứng viêm cơ gân và viêm bao gân gấp mang tính tổn thương lâu ngày, biểu hiện dễ thấy nhất chính là sưng phù. Nếu ở mức độ nhẹ thì có thể thông qua châm cứu hoặc các động tác co giãn thủ công để điều trị. Trường hợp nặng lại cần phải tiến hành phẫu thuật, thường là để “cắt mở” các phần bao gân bị hẹp, không để chúng đè chặt lên các gân cơ.
Viêm bao gân gấp ngón tay thường dễ xảy ra ở độ tuổi 30 - 50, nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam giới với tỷ lệ lên đến 10:1. Đặc biệt, những đối tượng thường xuyên sử dụng tay và các ngón tay như dùng máy vi tính, điện thoại v.v… sẽ rất dễ bị chứng ngón tay lò xo này.
Những tác hại từ chứng viêm bao gân gấp ngón tay
Sưng phù cục bộ, sinh hoạt bất tiện
Sau khi mắc chứng ngón tay lò xo, các cơ gân ở bàn tay sẽ có xu hướng sưng phù lên và với nhiều mức độ khác nhau. Tình trạng này gây ra trở ngại cho các hoạt động của người bệnh, ảnh hưởng đến kết quả học tập và làm việc. Nếu không kịp thời điều trị sẽ có thể gặp khó khăn mãn tính trong mọi cử động.
Đau nhức khó chịu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống
Người bị viêm bao gân gấp ngón tay sẽ luôn cảm thấy các khớp xương ở tay rất khó chịu, nhưng đa số lại không thể chỉ rõ là đau nhức ở bộ phận nào. Lúc vận động, bên trong các khớp có cảm giác đau nhức hoặc không có sức, đôi lúc còn như bị kim châm.
Đối tượng nào dễ bị chứng ngón tay lò xo
Người làm việc có tính chất tổn hại xương khớp tay trong thời gian dài
Nhóm đối tượng này bao gồm dân văn phòng sử dụng máy vi tính thường xuyên, người chơi các loại nhạc cụ, đầu bếp, tài xế, thợ cắt tóc, người khuân vác vật nặng, và cả những người có thói quen nghiện điện thoại hằng ngày.
Thao tác tay quá nhiều với tốc độ nhanh và cường độ cao trong suốt thời gian dài sẽ dẫn đến sự mệt mỏi và tổn thương cho các khớp xương và cả gân cơ. Nếu không có biện pháp cải thiện tình hình thì nguy cơ mắc chứng viêm bao gân gấp ngón tay là rất cao.
Phụ nữ sau khi sinh
Sản phụ sau khi sinh con thì dung lượng máu trong cơ thể tăng lên, dễ dẫn đến tình trạng cơ gân và bao gân bị sung huyết, phù thủng. Ngoài ra, thêm vào việc phải thường xuyên bế con, cho con bú, động tác tay lặp đi lặp lại đơn nhất nên càng dễ mắc chứng ngón tay lò xo.
Làm sao để phòng ngừa viêm bao gân gấp ngón tay?
Trong các sinh hoạt hằng ngày như nấu nướng, giặt giũ, thêu thùa, may vá và dọn dẹp nhà cửa v.v…, bạn cần chú ý thao tác với tư thế tay khoa học nhất, không nên co gấp hay duỗi thẳng quá mức cả bàn tay và các ngón tay. Lúc cần xách vác vật nặng không nên quá sức mà tổn thương xương khớp lẫn gân cơ.
Người phải làm việc với thao tác tay trong thời gian dài cần có thói quen nghỉ ngơi giãn cách phù hợp. Sau khoảng 1 giờ làm việc, bạn nên thư giãn bằng cách dừng hoạt động ở tay, có thể chà xát hai tay giúp thông kinh mạch, xoay cổ tay giúp các cơ gân được thả lỏng. Ngoài ra, ngâm tay trong nước ấm cũng rất hiệu quả.
Mùa lạnh không chỉ phải cần giữ ấm cho đôi chân mà đôi tay cũng nên được ưu ái như vậy. Thời tiết lạnh rất dễ khiến các khớp và gân bên trong bị co cứng, gây khó khăn trong cử động và dễ bị đau nhức.
Trong trường hợp mọi phương pháp khắc phục đều không mang hiệu quả, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu để tình trạng viêm kéo dài không những gây bất tiện cho sinh hoạt mà còn có nguy cơ làm thoái hóa cả bàn tay, thậm chí lan sang các bộ phận khác.