Hiệu trưởng Đại học Harvard từ chức

Bà Claudine Gay là hiệu trưởng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Đại học Harvard khi từ chức hôm 2/1, sau các cáo buộc đạo văn.

"Dù trái tim đang nặng trĩu, nhưng với tình yêu sâm đậm dành cho Harvard, tôi viết thư này để chia sẻ rằng tôi sẽ từ chức hiệu trưởng. Đây là một quyết định không hề dễ dàng", bà Gay mở đầu.

Bà nói việc này là vì lợi ích tốt nhất của Harvard, dù bà rất đau xót khi phải chịu đựng các công kích cá nhân. Bà Gay cho biết sẽ tiếp tục là giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại đại học này.

Như vậy, bà Gay chỉ tại vị 6 tháng, ngắn nhất trong số các hiệu trưởng của Đại học Harvard kể từ khi trường thành lập vào năm 1636.

Đại học Harvard cho biết chấp nhận thư từ chức của bà Gay. Trong thông báo, trường cảm ơn bà vì những cống hiến với tư cách là hiệu trưởng, đồng thời lên án một số lời lẽ thể hiện “sự phân biệt chủng tộc” nhắm vào bà.

Vị trí hiệu trưởng tạm thời thuộc về Alan M. Garber, một chuyên gia kinh tế, đồng thời là giám đốc học thuật của Đại học Harvard.

Hiệu trưởng Đại học Harvard từ chức

Bà Claude Gay trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5/12. Ảnh: Harvard Crimson

Động thái của bà Gay được đưa ra sau khi bà vấp phải hàng loạt cáo buộc đạo văn trên tờ The Washington Free Beacon. Tờ này cho hay đã nhận được 39 cáo buộc, ở bảy công trình nghiên cứu, gồm luận án tiến sĩ của bà.

Luận án tiến sĩ năm 1997 của bà Gay, với tựa đề “Nắm quyền: Thắng lợi bầu cử của người da đen và sự tái định nghĩa của chính trị Mỹ”, đã trích dẫn nhiều phần từ một công trình xuất bản năm 1996 của hai tác giả Bradley Palmquist và Stephen Voss, nhưng không chú thích hoặc đặt các phần văn bản trong ngoặc kép. Bà Gay cũng bị cáo buộc đạo văn trong hàng chục bài viết trước đây vì “trích dẫn không đầy đủ”.

Theo các chuyên gia, điều này vi phạm quy tắc trích dẫn của Harvard, rằng: “việc lấy bất kỳ ý tưởng hoặc ngôn ngữ nào từ người khác mà không ghi rõ nguồn đó trong bài viết của bạn bị coi là đạo văn”. Đặc biệt, đây là công trình từng được trường trao thưởng vì chất lượng xuất sắc.

Phản hồi các cáo buộc, bà khẳng định mình luôn đảm bảo tính liêm chính học thuật và đã bổ sung các trích dẫn.

Hội đồng điều hành của Đại học Harvard khi đó ủng hộ bà Gay. Họ nói biết về những cáo buộc từ lâu, đã điều tra và phát hiện “một số trường hợp trích dẫn không đầy đủ” trong hai bài báo. Tuy nhiên, những vi phạm này không đến mức bị coi là “hành vi sai trái trong nghiên cứu”.

Bà Gay cũng bị chỉ trích nặng nề khi phản ứng không rõ ràng về chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường, sau xung đột Israel - Hamas. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, hôm 5/12 năm ngoái, khi được hỏi rằng liệu việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm quy định về bắt nạt, quấy rối tại Harvard và yêu cầu trả lời có hoặc không, bà Claudine nói: “Có thể, tùy thuộc vào hoàn cảnh”.

Harvard Hillel, ban xúc tiến cuộc sống sinh viên Do Thái trong trường học, nói rằng họ không tin tưởng bà sẽ bảo vệ sinh viên Do Thái. Nhiều người kêu gọi bà từ chức.

Tiến sĩ Claudine Gay, 53 tuổi, sinh ra ở New York, trong một gia đình nhập cư người Haiti. Bà nhận chức hiệu trưởng hồi tháng 7/2023, là người da màu đầu tiên giữ vị trí này tại Harvard trong lịch sử gần 390 năm của trường.

Theo The Guardian, Washington Free Beacon, NewYork Times, VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.