Hoàng tử tự xưng bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ Đức

Cảnh sát Đức bắt Heinrich XIII, hậu duệ nhà Ruess, với cáo buộc chỉ đạo nhóm cực hữu lên kế hoạch đảo chính lật đổ chính phủ.

Hoàng tử tự xưng bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ Đức

Heinrich XIII (mặc vest) bị bắt tại Frankfurt, Đức, ngày 7/12. Ảnh: AP.

Rạng sáng 7/12, khoảng 3.000 sĩ quan Đức, gồm các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ, đã đồng loạt khám xét hơn 130 căn nhà trên toàn quốc, nhằm truy bắt các thành viên phong trào Reichsbuerger (Công dân của Đế chế), nhóm cực hữu bị cáo buộc đang chuẩn bị tấn công lật đổ chính quyền.

25 người thuộc phong trào Reichsbuerger bị bắt trong đợt truy quét. Giới chức Đức cáo buộc những người này đã lập một nhóm khủng bố, lên kế hoạch cử một nhóm vũ trang xông vào tòa nhà quốc hội để chiếm chính quyền.

Giới chức cáo buộc Heinrich XIII, 71 tuổi, là chủ mưu đứng sau âm mưu này và nhóm đảo chính muốn đưa ông ta lên làm lãnh đạo mới của nước Đức, trong khi một người tên Ruediger lãnh đạo quân đội.

Heinrich XIII, người tự xưng là hoàng tử hậu duệ của nhà Ruess, bị bắt tại nhà riêng ở Frankfurt.

Văn phòng công tố viên nói rằng Heinrich XIII đã liên hệ với giới chức Nga để đàm phán về một trật tự mới ở Đức, song không có bằng chứng cho thấy quan chức Nga phản hồi tích cực với các yêu cầu từ nhóm cực đoan.

Đại sứ quán Nga tại Đức cho biết các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Moskva không duy trì liên lạc với đại diện của các nhóm khủng bố hay các nhóm bất hợp pháp khác.

Nhà Reuss từng là một gia đình quý tộc Đức từ thế kỷ XII, từng cai trị nhiều phần lãnh thổ ở miền đông nước Đức. Tuy nhiên, triều đại nhà Reuss chấm dứt khi Đức trở thành một nước cộng hòa. Vùng đất Reuss của họ trở thành một phần của bang Thuringia năm 1920.

Tất cả các thành viên nam trong gia tộc được đặt tên là Heinrich, người sinh ra đầu tiên trong mỗi thế kỷ sẽ được gọi là Heinrich I, người thứ hai là Heinrich II và tiếp tục như vậy cho đến thế kỷ tiếp theo.

Cách đặt tên này được cho là để tưởng nhớ Hoàng đế La Mã Henry VI, người đã phong tước hiệu cho gia tộc. Dù Đức không duy trì tước vị hoàng gia sau khi trở thành nước cộng hòa, một số hậu duệ nhà Ruess như Heinrich vẫn tiếp tục sử dụng danh hiệu hoàng tử.

Heinrich XIII nhiều năm qua công khai ủng hộ lý thuyết rằng cuộc sống trên toàn thế giới sẽ tốt hơn dưới chế độ quân chủ. Năm 2019, ông tuyên bố người dân xứ Reuss trước đây “có cuộc sống hạnh phúc” với mức thuế chỉ 10% và các cơ chế “thẳng thắn, minh bạch”.

“Nếu mọi chuyện không suôn sẻ, bạn chỉ cần đến gặp hoàng tử. Ngày nay, bạn nên tìm ai, nghị sĩ của bạn, quan chức địa phương, liên bang hay EU? Chúc may mắn!”, Heinrich VIII phát biểu tại Diễn đàn Web Thế giới ba năm trước.

Heinrich XIII kết hôn với một phụ nữ Iran và có hai con đang ở độ tuổi 30. Người đàn ông này dường như vẫn giàu có, sở hữu nhiều bất động sản, trong đó có khu nghỉ dưỡng săn bắn ở Thuringia.

Hiện chưa rõ nguồn thu nhập của Heinrich XIII, song Reuters cho biết, ông này sở hữu Buero Prinz Reuss, một công ty dịch vụ tài chính và bất động sản có trụ sở ở Frankfurt.

Trong khi đó, người đứng đầu nhà Reuss hiện nay là hoàng tử Heinrich XIV sống ở Áo, đã cố gắng giữ khoảng cách với Heinrich XIII.

Trả lời phỏng vấn OTZ hồi tháng 8, ông nói Heinrich XIII là một “ông già lẩm cẩm”, người tin vào các thuyết âm mưu và đã không liên lạc với gia đình trong 14 năm.

Gia tộc Reuss và Văn phòng Hoàng tử Reuss không trả lời yêu cầu bình luận về vụ bắt Heinrich XIII.

Hoàng tử tự xưng bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ Đức

Các sĩ quan cảnh sát phong tỏa khu vực truy quét thành viên nhóm cực hữu bị nghi âm mưu đảo chính ở Berlin, Đức, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Heinrich XIII cùng những người theo phong trào Reichsbuerger tin vào thuyết âm mưu rằng Đế chế Đức vẫn tồn tại, dù Đức quốc xã đã bị đánh bại trong Thế chiến II. Họ cho rằng nhà nước Đức hiện tại là “bù nhìn do phe Đồng minh tạo ra”.

“Nhóm này đặt mục tiêu lật đổ trật tự nhà nước và thay thế bằng kiểu nhà nước của riêng họ”, thông cáo từ Văn phòng công tố viên Đức có đoạn.

Trong phát biểu năm 2019, Hendrick XIII cho rằng Đức là một “chính phủ chư hầu” từ sau Thế chiến II và cần giành lại chủ quyền của mình thông qua một thỏa thuận hòa bình.

Ông tuyên bố các chế độ quân chủ trên toàn thế giới đã bị “các thế lực nước ngoài can thiệp, lật đổ” nhằm thiết lập cấu trúc kiểu doanh nghiệp để theo đuổi lợi nhuận, khiến người dân chịu hậu quả.

“Những người bị bắt tin theo những thuyết âm mưu gồm nhiều câu chuyện khác nhau về hệ tư tưởng Reichsburger cũng như hệ tư tưởng QAnon”, công tố viên Peter Frank nói, nhắc đến QAnon, một nhóm cực hữu Mỹ từng thể hiện sự ủng hộ với cựu tổng thống Donald Trump.

Cơ quan tình báo nội địa Đức ước tính khoảng 21.000 người theo phong trào Reichsbuerger, 5% trong số họ bị coi là những kẻ cực đoan và khoảng 2.100 thành viên của Reichsbuerger sẵn sàng dùng bạo lực để đạt được mục tiêu.

Một số từ chối nộp thuế, từ chối tuân thủ luật pháp Đức và gửi thư rác đến các cơ quan chính phủ, tòa án để thể hiện sự bất mãn và “gây nhiễu loạn hệ thống”.

Nhóm này được coi là vô hại cho đến năm 2016, khi một thành viên Reichsburger bắn chết một cảnh sát, làm bị thương ba người khác khi lực lượng chức năng đột kích vào nhà để tịch thu vũ khí.

Sự việc làm dấy lên lo ngại về tình trạng tàng trữ vũ khí của các thành viên nhóm, khiến giới chức bắt đầu giám sát Reichsburger chặt chẽ hơn, trước khi tiến hành chiến dịch đột kích ngày 7/12.

Giới chức Đức sau đó phát hiện nhóm này đã thành lập một “hội đồng” mô phỏng cấu trúc của chính phủ, thường xuyên tổ chức nhóm họp từ tháng 11/2021 như một “chính quyền dự bị”, có đầy đủ các ban bệ như ngoại giao, y tế.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho hay chính phủ sẽ phản ứng mạnh mẽ với âm mưu của nhóm. “Cuộc điều tra mới chỉ hé lộ phần nào mối đe dọa khủng bố từ phong trào Reichsburger”, bà Faeser ra tuyên bố cho biết, thêm rằng sẽ trình một dự luật trong vài ngày tới để tạo điều kiện cho các cơ quan chính phủ loại bỏ những công chức tham gia phong trào và bị coi là “kẻ thù của nền dân chủ”.

Theo Đức Trung/VnExpress (Sky News, Reuters)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.