Học sớm quá để làm gì?

Không ít năm gần đây, nhiều tỉnh thành học trước ngày khai giảng (5-9) đến 1-2 tuần.

hoc som qua de lam gi

Lễ khai giảng năm học mới chính thức vào ngày 5-9, nhưng tại nhiều tỉnh thành, học sinh đã bắt đầu đến trường trước đó 1-2 tuần. Trong ảnh: lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Do học quá sớm, thế nên đến những ngày cuối năm, hết việc, giáo viên ngồi chơi xơi nước còn học sinh thì túm tụm giết thời gian, chỉ chờ cho đến ngày nghỉ hè theo quy định!

Lãng phí và rách việc

Chẳng hiểu để làm gì mà mấy năm nay, địa phương tôi và nhiều tỉnh, thành khác lại tổ chức học trước ngày khai giảng 5-9 những hai tuần. Sau hai tuần đó thì lại nghỉ tuần Quốc khánh 2-9. Vậy là tính từ lúc bắt đầu học kỳ 1, học sinh học sớm ba tuần so với khai giảng.

Nếu học tuần đầu tiên từ ngày khai giảng 5-9, thì vừa hết tháng 5 năm sau là hết tuần 35 của năm học, cũng là hết chương trình. Đẹp quá!

Nhưng lẽ thường lại không diễn ra như vậy. Năm học 2015-2016, giáo viên chúng tôi phải dạy chương trình chính thức từ ngày 18-8. Vì học sớm mấy tuần nên chỉ đến khoảng từ 15 đến 20-5 là học sinh đã học hết chương trình tuần cuối. Chỉ còn mấy bài kiểm tra định kỳ nữa là hết chương trình, mà ba tuần nữa mới hết tháng 5.

Đấy là còn “may”, vì cuối mùa đông năm trước do rét đậm rét hại nên học sinh được nghỉ học một tuần. Nếu không thì chỉ đến ngày 10-5 cả giáo viên và học sinh đã “hết việc làm” rồi. Khoảng thời gian còn lại dài lê thê ấy thật lãng phí và rách việc.

Giáo viên chẳng biết làm gì...

Chẳng còn gì để dạy, việc vào điểm, đánh giá học sinh đã xong, vậy mà đến ngày 30-5 mới được tổng kết năm học. Thế là giáo viên chẳng còn giờ giấc theo quy định nữa.

Trống vào lớp lâu rồi mà họ vẫn ngồi tụm năm tụm ba buôn chuyện. Mấy ngày đầu còn có người nhắc giáo viên lên lớp, sau rồi thì kệ. Nửa tiếng sau, các thầy cô rề rề lên lớp, chép lên bảng quấy quá mấy bài tập cho học sinh làm. Loáng cái, lại ra chơi. Mà lúc này thì ra chơi lâu lắm. Chẳng thấy ai đánh trống vào lớp gì cả.

Khi có được trống vào lớp thì chẳng bao lâu đã tan trường. Biết làm thế nào? Mọi việc đã xong, mà ba tuần nữa mới được tổng kết năm học. Chẳng ngồi chơi thì làm gì?

hoc som qua de lam gi

Học sinh chủ yếu ngồi chơi

Ba tuần cuối năm học sinh chủ yếu đến lớp ngồi chơi. Các em tha hồ đùa nghịch, nói chuyện riêng, giáo viên ngồi đó mà cứ như chốn không người. Có lớp giáo viên mãi đi buôn chuyện ở lớp khác, thế là học sinh đem cả bài bạc vào đánh túi bụi... Rất lâu sau giáo viên mới lên.

Thế rồi loáng cái lại ra chơi, ra chơi lâu và thoải mái. Thể dục giữa giờ cũng không thực hiện. Cả sân trường nô nức trong không khí “tự do muôn năm”.

Trời bỗng đổ mưa. Học sinh thích chí chạy cả ra đùa giỡn, tắm mưa. Có em còn té nước vào nhau. Còn giáo viên vẫn mải “buôn”. Tuy chả có việc gì làm nhưng nhà trường cũng không dám cho học sinh ở nhà, nghỉ học. Vì không có cớ gì để nghỉ cả.

Học mãi rồi mới khai giảng. Điều này xã hội phê phán nhiều rồi. Vậy mà năm học mới này, ngành giáo dục địa phương tôi vẫn lệ cũ mà tiến tới! Tháng 8 này, các em học sinh lại bắt đầu tuần đầu tiên của năm học mới từ ngày 22-8.

Và mãi tận ngày 5-9 mới khai giảng thật sự. Thế là, đến hẹn lại lên, tháng 5-2017 có lẽ các em lại được ba tuần tha hồ lêu lổng. Còn giáo viên thì lại trở nên rách việc với mớ chuyện buôn đi buôn lại...

Theo tuoitre.vn

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.