Hội Đồng hương Đức Thọ tại Phú Yên hướng về kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú

(Baohatinh.vn) - Hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904-1/5/2024), Hội Đồng hương Đức Thọ - Hà Tĩnh tại Phú Yên đã phối hợp tổ chức trồng cây lưu niệm tại Di tích Quốc gia Thành An Thổ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An.

Hội Đồng hương Đức Thọ tại Phú Yên hướng về kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú

Theo hướng dẫn của Ban Quản lý Di tích thành An Thổ, Hội Đồng hương Đức Thọ tại Phú Yên đã tổ chức trồng 9 cây xanh, trong đó có 1 cây bàng vuông được Thượng tá Nguyễn Quốc Việt – sỹ quan hải quân mang từ đảo Trường Sa Lớn về; 1 cây dáng hương có hoa màu vàng hoàng yến nở quanh năm; 2 cây lộc vừng; 2 cây dầu rái; 3 cây long não.

Hội Đồng hương Đức Thọ tại Phú Yên hướng về kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú

Đây là những loài cây có sức sống mạnh mẽ, tạo ra sự đa dạng cho khu di tích lịch sử quốc gia này.

Hội Đồng hương Đức Thọ tại Phú Yên hướng về kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú

Dịp này, đoàn cũng được nghe giới thiệu Di tích Quốc gia Thành An Thổ, trong đó thông tin về tiểu sử, sự cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng nước ta.

Thành An Thổ nằm ở khu vực hạ lưu Sông Cái, thuộc địa phận thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Phú Yên.

Thành An Thổ được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1832 đến năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng. Thành có bình đồ hình vuông, với diện tích khoảng 6.400m2, bốn góc được đắp nhô hẳn ra phía ngoài, xung quanh có hào nước rộng khoảng 15m, tường thành cao khoảng 3,5m. Bốn cửa thành quay ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, ứng với tên gọi bốn cửa: Tiền, Hậu, Hữu, Tả.

Bên ngoài thành An Thổ còn một số công trình phụ trợ. Phía Nam có con đê Hộ Thành chống ngập lụt, bên trong con đê là Trường Bắn - nơi binh sỹ tập luyện. Sát bờ sông Cái có một khu đất gọi là Gò Tượng, là nơi đóng quân của Đội Tượng binh. Chợ Thành nằm gần cửa Hữu là nơi trao đổi hàng hóa của bộ máy quan lại cũng như của Nhân dân ở khu vực thành An Thổ.

Sau khi xây dựng xong, thành An Thổ trở thành trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên. Năm 1888, lỵ sở của Phú Yên dời từ thành An Thổ ra Vũng Lắm nằm trong vịnh Xuân Đài, cách thành An Thổ khoảng 10km về phía Bắc nhưng cũng chỉ ở đây trong khoảng 1 năm, sau đó lại chuyển về thành An Thổ. Đến năm 1899, lỵ sở Phú Yên lại dời từ An Thổ về đóng tại thôn Long Bình (nay thuộc thị xã Sông Cầu).

Từ năm 1899 trở đi, thành An Thổ tiếp tục đảm nhận vai trò là phủ lỵ của phủ Tuy An. Đến khoảng năm 1939, phủ lỵ Tuy An chuyển đến vị trí khác thì vai trò lịch sử của thành An Thổ xem như kết thúc.

Trong thời gian từ 1901 đến 1906, ông Trần Văn Phổ - phụ thân đồng chí Trần Phú được cử vào Phú Yên giữ chức Giáo thụ tại phủ Tuy An. Ông Phổ đưa cả gia đình vào làm việc và sinh sống tại thành An Thổ. Cũng chính nơi đây vào ngày 1/5/1904 đã chứng kiến sự chào đời của một người con ưu tú của Đảng đó là đồng chí Trần Phú – cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển và năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011, di tích Thành An Thổ đã được đầu tư tôn tạo gồm nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú và một số công trình phụ xung quanh.

Thành An Thổ được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích khảo cổ cấp Quốc gia vào ngày 22/8/2005.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Phú Yên

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast