Hối hả đưa hàng về chợ tết

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, các cơ sở sản xuất, làng nghề, chợ truyền thống, siêu thị ở Hà Tĩnh... đang tất bật chuẩn bị hàng hóa để kịp cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ai cũng hy vọng năm nay buôn bán đắt hàng để tết thêm phần ấm no, sung túc.

Hối hả đưa hàng về chợ tết

Nhân công của Công ty TNHH Bánh đa nem Nhật Thành tích cực làm việc để kịp trả đơn hàng cho khách.

Gần 2 tháng nay, không khí SXKD tại Công ty TNHH Bánh đa nem Nhật Thành (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) trở nên gấp gáp hơn so với ngày thường. Dịp này, đơn hàng tăng cao so với thường ngày nên 8 công nhân của công ty phải tăng ca liên tục để sản xuất kịp tiến độ. Ngày thường, công ty sản xuất được khoảng 500 tệp bánh, với giá bán từ 16-20 nghìn đồng/tệp, doanh thu ước đạt 8 triệu đồng/ngày thì dịp cận tết, sản lượng đã tăng gấp 2 lần.

Chị Trần Thị Cảnh - công nhân tại Công ty TNHH Bánh đa nem Nhật Thành cho biết: “Nhu cầu của khách hàng tăng cao vào dịp tết nên dù có vất vả hơn ngày thường song công nhân chúng tôi rất mừng bởi có thu nhập cao hơn”.

Ông Trần Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Bánh đa nem Nhật Thành cho biết: “Từ khi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 6/2023, công ty đã có thêm cơ hội mở rộng thị trường tới các cửa hàng, siêu thị, nhà phân phối ở Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh... Ngay từ đầu tháng 10 dương lịch, công ty đã liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng tết, vì vậy chúng tôi đã phải tăng ca để kịp thời sản xuất và cung cấp hàng hóa cho khách hàng. Nhìn thấy những chuyến hàng tết liên tục được vận chuyển đi khắp mọi miền, tôi rất phấn khởi”.

Cùng với không khí hối hả sản xuất tại các cơ sở kinh doanh, các làng nghề như làng hương ở thôn Báo Ân (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà), làng nghề nước mắm ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), làng bánh đa nem ở thôn Bình (xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh)... cũng đang hối hả bước vào kỳ cao điểm sản xuất phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Hối hả đưa hàng về chợ tết

Tết năm nay, bà Hường nhập thêm số lượng hàng hơn 30% so với thường ngày.

Không khí rộn ràng của ngày tết cũng đã được lan tỏa tới các chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Tĩnh. Tại chợ TP Hà Tĩnh hiện có trên 2.000 hộ kinh doanh buôn bán. Những ngày cuối năm, các mặt hàng như đồ trang trí tết, bánh kẹo, quần áo, giày dép, đồ điện tử... tập trung về chợ nhiều hơn so với ngày thường và lượng người đến mua sắm cũng đã tăng lên.

Có hơn 20 năm kinh doanh mặt hàng bánh kẹo tại chợ TP Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Hường cho biết: “Từ khoảng đầu tháng 11 âm lịch, cửa hàng đã bắt đầu nhập các sản phẩm có bao bì tết như bánh kẹo, nước ngọt, mứt... Năm nay, chúng tôi đã nhập thêm số lượng hàng hơn 30% so với thường ngày, giá các sản phẩm không tăng so với các năm trước. Mong rằng, trong thời gian còn lại của những năm 2023 âm lịch, thị trường sẽ khởi sắc, tết sẽ rộn ràng hơn”.

Hối hả đưa hàng về chợ tết

Các quầy hàng trang trí tết tại chợ thành phố Hà Tĩnh đã nhập nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.

Dẫu năm nay sức mua hàng hóa thiết yếu có dấu hiệu chậm hơn nhưng các cơ sở kinh doanh tại chợ Hà Tĩnh vẫn chủ động nhập hàng tết sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tại các cửa hàng quần áo, giày dép, hàng trang trí tết, chậu hoa, cây cảnh... cũng rộn rã không kém. Trong không khí rộn ràng ấy, người bán tất bật bày trí, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng bởi ai cũng mong muốn có thể tranh thủ những ngày giáp tết để đẩy mạnh việc buôn bán, giúp cho cái tết thêm phần ấm no.

Còn tại các trung tâm thương mại như Co.opmart, winMart và hàng chục siêu thị mini trên địa bàn, nguồn cung hàng hóa năm nay cũng dồi dào hơn các năm. Các siêu thị cũng liên tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mua sắm đối với hàng nghìn sản phẩm.

Hối hả đưa hàng về chợ tết

Năm nay, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch nguồn hàng tết khoảng 60 tỷ đồng.

Chị Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart cho biết: “Dịp tết này, siêu thị đã tích cực chuẩn bị, vận chuyển liên tục nguồn hàng về để phục vụ người tiêu dùng. Năm nay, siêu thị đã chủ động xây dựng kế hoạch nguồn hàng tết khoảng 60 tỷ đồng. Để phục vụ nhu cầu khách hàng, chúng tôi đã thuê thêm kho bãi, tuyển thêm nhân viên thời vụ để đảm bảo việc thanh toán nhanh chóng”.

Bên cạnh đó, kênh bán hàng online cũng sôi động không kém khi nhiều mặt hàng tết đã được quảng bá rộng rãi trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Các loại thực phẩm handmade được rao bán với đủ chủng loại, mẫu mã. Trong đó, sản vật vùng miền như thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, măng khô, giò bê... hay các loạt mứt tết, trái cây sấy dẻo, bánh kẹo... được rao bán nhiều nhất.

Ông Nguyễn Đình Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết: “Đây là thời điểm các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên đán đổ về các chợ, các cơ sở kinh doanh, kho hàng với số lượng lớn. Vì thế, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, đồng thời, tích cực theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả hàng hóa để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động...”

Chủ đề Chào năm mới 2024

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast