Sáng 29/12, Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đánh thức tiềm năng bảo vật Quốc gia, xây dựng chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh”. |
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh – Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam; Viện trưởng Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam Võ Kim Cự; Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam Nguyễn Huy Nam chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam Võ Kim Cự cho biết, thời gian qua, một số cá nhân, doanh nghiệp, HTX tổ chức trồng sâm Ngọc Linh, nuôi cấy mô và gieo hạt sâm theo truyền thống, đồng thời đã chế biến được một số sản phẩm tiêu dùng đưa ra thị trường, bước đầu đã được người tiêu dùng chấp nhận.
Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất còn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, đoàn kết, hợp tác giữa các khâu trồng, chăm sóc, chế biến; kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật chưa phát triển tốt. Công nghệ chế biến sâu còn lạc hậu, sản phẩm chế biến chưa phong phú, chưa nâng cao được giá trị gia tăng của cây sâm.
Viện trưởng Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam Võ Kim Cự phát biểu tại hội thảo.
“Để sâm Ngọc Linh Việt Nam sớm trở thành “quốc bảo”, mọi người dân Việt Nam có quyền được hưởng các sản phẩm sâm Ngọc Linh để chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp và sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, các hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX ở Việt Nam cần đoàn kết tư duy và hành động.
Cụ thể, phải hợp tác giữa các vùng, địa phương và cả nước liên kết chuỗi giá trị trên tất cả các khâu nghiên cứu khoa học, sản xuất giống, chế biến sâu các sản phẩm và cùng nhau tiêu thụ sản phẩm, chú trọng các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Gắn kết thường xuyên, chặt chẽ giữa khoa học với sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Võ Kim Cự - Viện trưởng Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã có những tham luận, khẳng định chất lượng, giá trị của sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, xứng đáng là “quốc bảo” của Việt Nam.
Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để phát triển ngành sâm Việt Nam vươn tầm thế giới như: bảo tồn nguồn gen, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh và đăng ký bảo hộ các sản phẩm thương hiệu sâm Ngọc Linh. Hiện đại hóa công nghệ chế biến sâu sâm Ngọc Linh đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng nền tảng số, Marketing thị trường toàn diện, quảng bá toàn cầu thương hiệu sâm Ngọc Linh. Xây dựng từ điển ngành, chuẩn hóa và ngân hàng dữ liệu sâm Ngọc Linh phục vụ đào tạo, sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần có sự tập trung cao trong công tác nghiên cứu và công bố khoa học về sâm Việt Nam, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự vào cuộc của các nhà khoa học.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Sâm Ngọc Linh Việt Nam, tên khoa học là Panax Vietnamensis Ha et Grushv, họ nhân sâm (Araliaceae), là một loài sâm có giá trị dược tính rất cao (có đến 52 saponin triterpen, trong đó có 26 saponin mới với tổng hàm lượng là 10,82%). Đây là một trong 5 loại dược liệu quý của thế giới.
Kết luận hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh – Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam ghi nhận đánh giá cao các ý kiến tham luận rất khoa học, thực tiễn của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, HTX trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Để phát triển sâm Ngọc Linh xứng tầm “quốc bảo” Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh đề nghị, thời gian tới các doanh nhiệp, nhà khoa học cần đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến; xây dựng nguồn gen, tiêu chí về sâm Ngọc Linh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như người sản xuất; chú ý đến hiệu quả xã hội, đặc biệt là đồng bào bản địa trong việc sản xuất, gieo trồng sâm Ngọc Linh.