Hơn 2,6 triệu người Sudan phải rời bỏ nhà cửa do xung đột

Theo OCHA, hơn 2,1 triệu người Sudan đã phải sơ tán trong nước kể từ ngày 15/4 trong đó 1,4 triệu người đã rời khỏi Khartoum, có hơn 560.000 người đã vượt biên giới sang các nước láng giềng.

Hơn 2,6 triệu người Sudan phải rời bỏ nhà cửa do xung đột

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan ngày 18/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/6, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết kể từ khi giao tranh nổ ra ở Sudan hồi giữa tháng 4 đến nay tại nước nay đã có hơn 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó hơn 560.000 người trở thành người tị nạn quốc tế.

Theo OCHA, hơn 2,1 triệu người Sudan đã phải sơ tán trong nước kể từ ngày 15/4, trong đó 1,4 triệu người đã rời khỏi thủ đô Khartoum. Hơn 560.000 người đã vượt biên giới sang các nước láng giềng, chủ yếu là Ai Cập, Cộng hòa Chad và Nam Sudan.

Các tổ chức nhân đạo đã tiếp cận được hơn 2,8 triệu người trên toàn lãnh thổ Sudan và đã cung cấp cho họ thực phẩm, dinh dưỡng, nước, chăm sóc sức khỏe và bảo hộ.

Tuy nhiên các tổ chức này cho biết họ gặp trở ngại do tình trạng mất an ninh và việc tiếp cận người dân Sudan bị hạn chế, bao gồm tình trạng thiếu thị thực dành cho nhân viên của các tổ chức quốc tế.

OCHA nêu rõ: “Các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở hoat động và nhà kho nhân đạo tiếp tục cản trở khả năng chuyển hàng viện trợ một cách an toàn. Chúng tôi đang phải đối mặt với những khó khăn lớn trong việc tiếp cận người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng do xung đột ở Khartoum, khu vực Darfur và vùng Kordofan".

Cũng theo OCHA, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan , 13 nhân viên hoạt động nhân đạo đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Ngoài ra, một số nhân viên đang mất tích.

Văn phòng này cho biết thêm họ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ từ thành phố cảng Port Sudan và đi qua các khu vực có xung đột .

Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 này, 480 xe tải chở khoảng 19.700 tấn hàng viện trợ đã tới các bang Al-Jazirah, Khartoum, Gedaref, Kassala, Sennar, Northern State, River Nile và Blue Nile.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho hay đã hỗ trợ khẩn cấp lương thực và dinh dưỡng cho hơn 1,2 triệu người tại 14 trong số 18 bang của Sudan, trong đó có một số khu vực khó tiếp cận ở Darfur.

Tại khu vực thủ đô Khartoum, cơ quan này đã hỗ trợ lương thực cho khoảng 50.000 người bị mắc kẹt do xung đột và có kế hoạch hỗ trợ 500.000 người khi tình hình an ninh cho phép.

Liên quan đến hỗ trợ nhân dạo tại Sudan, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ghi nhận hơn 200.000 người đã sang nước láng giềng Cộng hòa Chad lánh nạn, bao gồm cả người Sudan và những người Chad trước đây đã trốn chạy sang Sudan.

Hiện UNHCR và Chính phủ Cộng hòa Chad đã di dời người dân khỏi khu vực giáp biên giới với Sudan có nguy cơ xảy ra lũ lụt và hứng chịu những rủi ro về an ninh.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.