Hồng Lam thấm đẫm trang viết Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Điều gì đã góp phần hun đúc nên thiên tài Nguyễn Du với Truyện Kiều bất hủ để có sức sống mãnh liệt vượt qua mọi thời gian? Đó là quê hương Hà Tĩnh, gia đình, bão táp đương thời, “gió bụi” cuộc đời; cùng với tư chất thông minh, tài năng hiếm có.

Đó còn là những chiêm nghiệm với những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời. Đó không còn là vấn đề của một lớp người, của một quốc gia, cộng đồng mà của toàn nhân loại. Và, đó không chỉ của thời Nguyễn Du đã sống mà cả thời đại ngày nay và mai sau.

Nguyễn Du sinh năm 1765 tại kinh thành Thăng Long, trong một gia đình quyền quý. Bố từng giữ chức tể tướng, mẹ là người của dòng họ khoa bảng Kinh Bắc. Truyền thống gia đình, dòng họ, sự giao thoa của văn hóa hai vùng đất đã nuôi dưỡng, bồi dưỡng, hun đúc nên tâm hồn, nhân cách một thiên tài.

Hồng Lam thấm đẫm trang viết Nguyễn Du

Bến Giang Đình nơi năm xưa Nguyễn Du cùng gia đình cập bến về lại quê nhà. Ảnh: Trần Chung

Quê hương, dòng họ, gia đình luôn có từ trong huyết quản đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đại thi hào. Sông núi nơi này đã hun đúc nên nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Núi Hồng với vẻ đẹp tĩnh mịch, hùng vĩ, cùng chung một chí khí với nhiều câu chuyện huyền thoại đắm say lòng người. Có một thời gian về quê nhà, tham gia “Hồng Sơn liệp bộ” (phường săn Núi Hồng), Nguyễn Du đã có dịp phát hiện nhiều nét riêng của đất và người nơi đây. Hồng Lĩnh - Lam Giang đã thấm đậm trong ông với nhiều cảm nhận sâu sắc. Nguyễn Du cũng đã tự xưng là “Nam Hải điếu đồ” (nhà chài bể Nam). Thế mới biết sông núi quê hương đã in đậm trong ký ức, trong sáng tác, nhất là trong thơ chữ Hán của ông.

Hun đúc nên khí chất Đại thi hào có núi, sông và những câu hò, điệu ví, lời ca. Chính mạch nguồn dân ca ví, giặm cũng đã góp phần nuôi dưỡng nên tâm hồn, cốt cách, phẩm chất của ông. Những lần vượt Truông Hống, Đò Cài sang Trường Lưu đi hát, những cuộc vui hát cùng O Uy, O Sạ đã làm rung động tận đáy lòng, tạo nguồn thi hứng cho chàng trai Tiên Điền tài hoa có những tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng trời Nam.

Hai dòng họ thuộc “trâm anh thế phiệt” là Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Trường Lưu kết nối thông gia. Đây là hai dòng họ có nhiều nhà văn hóa lớn trong cả nước và hình thành nên “Hồng Sơn văn phái”. Nguyễn Du đã góp phần đưa văn phái này lên đỉnh cao và rạng rỡ bốn phương.

Hồng Lam thấm đẫm trang viết Nguyễn Du

Khuôn viên gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền ở thị trấn Tiên Điền - Nghi Xuân. Ảnh Thu Hà

Làng Tiên Điền quê hương ông từ 1765-1790 là thời kỳ phồn hoa, hưng thịnh. Đó là những năm đã nổi tiếng với câu ca “Lúa Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”. Ở đâu cũng gặp khanh tướng, công hầu. Có người làm quan to trong triều, có người là danh thần, dũng tướng. Đường làng võng lọng, ngựa xe, đủ mặt trai thanh, gái lịch, lụa là hàng tía đua chen. Vùng quê Nghi Xuân với “bát cảnh’”, “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, với “cửa bể chiều hôm” đã đi vào những áng thơ văn của Đại thi hào.

Dù xuất thân từ gia đình quý tộc nhưng Nguyễn Du lại lớn lên trong thời điểm đất nước nhiều biến động, nhiễu nhương. Đặc biệt, nơi quê nhà lại bước vào thời kỳ nghèo đói, khó khăn. Tất cả đã gieo vào trong ông những cảm nhận về lòng thương yêu con người, về chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả.

Hồng Lam thấm đẫm trang viết Nguyễn Du

Tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du trong không gian thoáng đãng của khu di tích. Ảnh: Thiên Vỹ

Quê hương đã trở thành miền nhớ thương với nhiều day dứt. Hai tiếng “quê nhà” xuất hiện rất nhiều lần trong thơ ông. Trong các tập thơ chữ Hán cho thấy dù đi đâu, ở đâu, Nguyễn Du cũng luôn nhớ về anh em ở quê nhà. Và quê nhà cũng luôn được nhà thơ đặt trong mối liên hệ với vùng miền khác, trong tầm nhìn về nhân thế.

Văn hóa xứ sở đã bồi đắp nên nhân cách, trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tài hoa, tinh tế để làm nên những tác phẩm diệu kỳ có một không hai. Đó cũng là một trong những nét nổi bật, bền vững của nhân cách và cảm quan Nguyễn Du để thấu hiểu “trăm năm trong cõi”. Truyền thống quê hương, dòng họ gia đình càng rạng rỡ, tự hào hơn khi sinh thành, nuôi dưỡng nên một Đại thi hào dân tộc.

Truyền thống văn hóa tạo nên sức mạnh thần kỳ để dân tộc ta trường tồn, phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử và hôm nay đang là động lực to lớn cho công cuộc đổi mới trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Nguyễn Du và Truyện Kiều đã có đóng góp lớn vào truyền thống văn hóa, văn chương của dân tộc Việt Nam.

Hồng Lam thấm đẫm trang viết Nguyễn Du

Quê hương Nghi Xuân hôm nay... Ảnh: Thành Nam

Đất Hồng Lam đã biết tạc hình vào non nước, người Hồng Lam luôn biết ngẩng cao đầu, gia phả họ Nguyễn Tiên Điền đã lưu danh một người con ưu tú - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.

Thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh hôm nay đã đổi thay. Bao vật đổi sao dời nhưng những giá trị văn hóa, truyền thống học hành, khoa bảng vẫn trường tồn cùng hậu thế. Khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa trong sáng tác của Nguyễn Du luôn trở thành một thông điệp của phương châm sống, một giá trị văn hóa tốt đẹp của con người trong mọi đất nước, mọi thời đại.

Khát vọng về một xã hội công bằng, con người được giải phóng, tự do, có cuộc sống hạnh phúc hôm nay đã trở thành hiện thực. Những giá trị nhân văn cao cả đang tiếp tục được phát huy. Trong niềm tự hào đó, “Khúc vui xin lại so dây cùng người”.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.