Defense-aerospace đưa tin, Liên đoàn hàng không quốc tế (Fédération Aéronautique Internationale) đã ghi nhận các kỷ lục do nhóm phi công thử nghiệm của Viện thiết kế Yakovlev đạt được với máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130.
Các chuyến bay đạt kỷ lục này được thực hiện tại sân bay của Viện nghiên cứu bay Gromov từ ngày 17-26/10/2016. Các kíp lái đẳng cấp trên Yak-130 có 2 Anh hùng Liên bang Nga gồm phi công Oleg Kononenko và Oleg Mutovin, cùng các phi công thử nghiệm lão luyện Andrey Voropaev và Vasily Sevastianov (chi tiết xem bảng dưới đây)
Phát biểu cảm tưởng về các thành tích đạt được, Anh hùng Liên bang Nga Roman Taskaev - Phó Tổng Giám đốc Viện thiết kế Yakovlev cho hay: "Các chuyến bay đạt kỷ lục đã chứng tỏ khả năng vượt trội của máy bay Yak-130 và kỹ năng làm chủ máy bay của các phi công thử nghiệm".
Yak-130 là sản phẩm do Viện Yakovlev thiết kế (ban đầu có sự tham gia của Hãng Aermacchi, Italy) và được Công ty Irkut sản xuất. Đây là loại phi cơ phản lực thế hệ mới có thể sử dụng trong vai trò máy bay huấn luyện hoặc chiến đấu hạng nhẹ.
Ưu điểm nổi bật của Yak-130 nằm ở việc nó được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cùng với khả năng thao diễn rất linh hoạt, có thể mô phỏng hoàn hảo các bài bay của tiêm kích thế hệ 4 như Su-27/30, thậm chí cả chiến đấu cơ phương Tây.
Chiếc máy bay được thiết kế với góc tấn (AoA) lớn, nhờ mở rộng cánh về phía trước và bố trí tối ưu cửa hút gió sẽ cho phép điều khiển ổn định góc tấn lên đến 40 độ. Giới hạn về gia tốc trọng trường khi hoạt động ổn định tại độ cao 4.500 m là 5,2G; trong khi giới hạn tối đa được đưa ra là từ +8G đến -3G khi thực hiện các thao tác cơ động đột ngột.
Bên cạnh vai trò chính đào tạo phi công quân sự, nếu khách hàng có yêu cầu, nhà sản xuất sẽ tiến hành lắp đặt cho Yak-130 radar Osa do NIIP Zhukovsky sản xuất, hoặc radar Phazotron Kopyo (loại từng được sử dụng trên một số phiên bản nâng cấp của MiG-21), giúp cho Yak-130 đảm nhiệm tốt cả nhiệm vụ tiêm kích phòng không lẫn cường kích tấn công mặt đất.
Với những điểm vượt trội cả về tính năng và giá thành (gồm cả chi phí mua ban đầu cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa), Yak-130 đang nhận đươc sự quan tâm của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, ông Alexander Fomin - Giám đốc Cơ quan hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên Bang Nga cũng đã khẳng định Việt Nam là một khách hàng tiềm năng đối với Yak-130.
"Nga đang tiến hành những công việc cần thiết để cung cấp dòng máy bay này cho Mông Cổ, Việt Nam và nhiều nước khác" - ông Fomin nói.
Theo Soha/Thời Đại