Hương sắc mùa thu

(Baohatinh.vn) - Khi chuỗi ngày nắng gắt kết thúc và những cơn mưa bất chợt ùa về làm hồi sinh màu xanh những rừng cây, cánh đồng… cũng là lúc mùa thu bắt đầu gõ cửa trên mỗi miền quê Hà Tĩnh.

Nằm trong khoảng vĩ độ 18 Bắc bán cầu, mùa thu ở Hà Tĩnh bắt đầu vào khoảng tháng 8 dương lịch hằng năm. Ấy là khi bán cầu Nam trái đất dần nghiêng hẳn về phía mặt trời, phía Bắc bán cầu bước vào những ngày mát mẻ.

a1.jpg
Sắc thu dưới chân núi Hồng Lĩnh. Ảnh: Đâp khe Hao (xã Tân Lộc, Lộc Hà).

Mùa thu ở Hà Tĩnh thiên nhiên vạn vật xanh tươi chan hòa trong cái nắng nhẹ, bầu trời lồng lộng gió mát những đêm trăng thanh. Những đồi núi, phố phường, làng quê sương giăng bảng lảng lúc bình minh hoặc chiều tà. Những dòng sông, mặt hồ dềnh dàng nước trong xanh phẳng lặng soi rõ bầu trời, ngọn núi, hàng cây… Trong 4 mùa trên quê hương núi Hồng - sông La, có lẽ mùa thu giúp nhịp sống lắng đọng hơn cả, gợi lên trong tâm thức mỗi người sự hoài niệm, chiêm nghiệm về cuộc sống.

a5.jpg
Hoa cỏ mùa thu.

Cũng bởi thế, mùa thu ở Hà Tĩnh hợp với những du khách yêu thích sự hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm, thư giãn tại những khu du lịch sinh thái và tham quan khám phá những giá trị xưa cũ qua những di tích lịch sử. Đến Hà Tĩnh vào mùa thu, du khách có thể lựa chọn cho mình nhiều địa chỉ để khám phá như: chùa Hương Tích - ngôi chùa từng được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” nằm trên đỉnh núi thiêng Hồng Lĩnh; các Khu di tích Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) - nơi lưu dấu ký ức về những danh nhân lỗi lạc, nhất là Đại thi hào Nguyễn Du - người viết nên thiên tình sử Truyện Kiều; Hoành Sơn Quan (TX Kỳ Anh) - nơi tạo nên cảm hứng của bài thơ nổi tiếng “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan…

154d5170822t90759l0.jpg
Khung cảnh mùa thu trước lối vào Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân).

Về Hà Tĩnh mùa thu, du khách còn có thể ngược lên miền sơn cước Hương Sơn thăm khu lưu niệm vị Đại danh y lỗi lạc của dân tộc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, trải nghiệm tắm bùn khoáng ở Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (Sơn Trung), khám phá cảnh sắc của những đồi chè xanh rộng lớn, ngâm mình trong dòng khoáng nóng ở xã Sơn Kim. Hoặc ngược dòng Ngàn Trươi thăm khu căn cứ Vũ Quang - nơi nhà yêu nước Phan Đình Phùng lập doanh trại chống thực dân Pháp. Du khách cũng có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân miền núi Hương Khê qua mô hình du lịch cộng đồng ở bản Phú Lâm…

Mùa thu ở Hà Tĩnh, ấy cũng là mùa thu hoạch của người nông dân với nhiều loại hoa màu, cây trái.

a7.jpg
Cánh đồng lúa hè thu ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà) bước vào thời kỳ trổ bông

Ông Phạm Bá Hữu (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) bày tỏ: “Khác với trước đó, vụ mùa vào tháng 10, 11 dễ gặp thất bát thì nay vụ lúa hè thu được thay thế trở thành một trong hai vụ lúa chính của năm. Ngày xưa, mùa thu cũng là mùa giáp hạt, lo lắng cái ăn. Nhưng nay, bước vào tháng tám cũng là bước vào khoảng thời gian phấn khởi mong chờ”.

Mùa thu ở Hà Tĩnh cũng là khoảng thời gian những vườn cây trái đặc sản của các vùng miền chuẩn bị bước vào kỳ thu hái như: bưởi Phúc Trạch, trám đen (Hương Sơn)... Và những vườn cam chanh Khe Mây (Hương Khê), Thượng Lộc (Can Lộc), cam bù (Hương Sơn)... cũng bước vào thời kỳ đọng mật. Sau bao ngày thu lượm tinh hoa của đất trời và dưới bàn tay chăm bón của người nông dân, những sản vật của quê hương đã góp phần tạo nên màu sắc và hương vị mùa thu Hà Tĩnh thêm ngọt ngào.

a2.jpg
Mùa thu ở Hà Tĩnh về cũng là lúc bà con nông dân huyện Hương Khê bước vào vụ thu hoạch bưởi đặc sản Phúc Trạch.
a3.jpg
Khi quả trám đen (Hương Sơn) chín cũng là lúc báo hiệu mùa thu ở Hà Tĩnh bắt đầu.
a4.jpg
Chị Nguyễn Thị Thúy Bắc hiện sống ở Đồng Nai luôn nhớ quê hương qua những món ăn mỗi khi mùa thu về.

Chị Nguyễn Thị Thúy Bắc (SN 1984, quê ở xã Sơn Bằng, Hương Sơn) hiện sống ở huyện Long Thành, Đồng Nai chia sẻ: “Xa quê đã 21 năm nhưng tôi vẫn luôn giữ trong mình nhiều kỷ niệm về mùa thu miền sơn cước quê tôi. Trong đó, thương nhớ hơn cả là hương vị những món ăn do mẹ nấu từ những quả trám đen. Ngày ấy, mỗi khi được bố và anh trai dẫn đến khu vườn ông nội để thu hái trám là tôi biết mùa thu đã về. Giờ đây, vì công việc, gia đình tôi không có thời gian về thăm quê mỗi lúc thu sang nhưng để thưởng thức hương vị mùa thu quê hương, tôi vẫn nhờ người thân đặt mua quả trám gửi vào. Dù xa quê nhưng mỗi khi cùng chồng và các con thưởng thức món trám đen om thơm ngậy, tôi như được sống giữa mùa thu quê nhà”.

Cùng với những loại quả mang giá trị kinh tế cao, mùa thu ở Hà Tĩnh còn có những thức quà, thứ quả gợi lên trong mỗi người hoài niệm về tuổi thơ như: cốm, thị, hồng, ổi… Gắn với đó là những lễ hội như: rằm tháng Bảy, tết Trung thu…

Bên cạnh những sản vật từ rừng, mùa thu cũng là lúc ngư dân miền biển Hà Tĩnh bước vào thời kỳ đánh bắt cuối vụ cá Nam với nhiều hải sản tươi ngon đặc trưng như: mực nang, mực ống, cá thu, cá ngừ, cá ngát, cá mu, sò lông, sò huyết, cua, ghẹ… Ông Lâm Văn Hiệp (60 tuổi, thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Thời tiết mùa thu thường có nhiều trở ngại cho việc đánh bắt như các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, giông gió bất thường…, nhưng bù lại hải sản mùa này nhiều loại có giá trị cao hơn”.

Ngày nay, những sản vật mùa thu quê nhà đã được chế biến thành những sản phẩm hàng hóa với nhiều thương hiệu uy tín, chất lượng… Vì vậy hương vị thu quê hương được lan tỏa đến người Hà Tĩnh muôn phương cũng như người dân khắp mọi miền.

a8.jpg
Mùa thu thêm tươi thắm trên những khu dân cư mẫu thôn Ngọc Lâm (xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ).

Những ngày này, khi mùa thu bắt đầu gõ cửa, những góc phố, làng quê thêm tươi thắm hơn trong sự khang trang, no ấm. Bởi từ bàn tay, khối óc, ý chí kiên cường được kế thừa truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa cha ông, người dân quê hương núi Hồng - sông La không ngừng nỗ lực chung tay xây dựng.

Đi giữa mùa thu hôm nay, tôi chợt thấy ứng nghiệm một cách lạ kỳ với những câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi thuở nào: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/… Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười, thiết tha…”.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.