Hương Sơn “mạnh tay” với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

(Baohatinh.vn) - UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã ra “tối hậu thư”, đồng thời triển khai nhiều giải pháp chấn chỉnh khá “mạnh tay” đối với các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn...

huong son manh tay voi cac co so gay o nhiem moi truong

Cơ sở chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Trung Thành (Sơn Tây) xuất lợn để thực hiện cam kết môi trường theo yêu cầu của UBND huyện Hương Sơn.

Không thể phủ nhận việc các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình đầu tư phát triển các mô hình, cơ sở chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế, góp phần vào mục tiêu phát triển chăn nuôi của huyện Hương Sơn... Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Bình Thân, trong quá trình triển khai xây dựng, hoạt động chăn nuôi, còn có một số vấn đề tồn tại cần sớm khắc phục để đảm bảo môi trường và hoạt động bền vững...

Được biết, do phát triển “nóng” nên thời gian qua, phần lớn các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn đã “không kịp” thực hiện thủ tục đất đai. Cụ thể, qua kiểm tra, có 23/36 cơ sở chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, dù các cơ sở này đã đi vào hoạt động ổn định. Nghiêm trọng hơn, phần lớn cơ sở chăn nuôi đều vi phạm các quy định về môi trường. “Một số cơ sở không thực hiện đúng hồ sơ được phê duyệt, dẫn đến khi vận hành việc xử lý chất thải không đảm bảo. Nhiều hộ có hệ thống chất thải, bể biogas bị hỏng, rò rỉ trong thời gian dài nhưng không được khắc phục... 33/36 cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý mùi sau chuồng nuôi. Hầu hết các cơ sở chưa làm thủ tục đăng ký cấp phép khai thác nguồn nước và xả thải vào nguồn nước...” - ông Nguyễn Trường Thành, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết.

Việc thực hiện quan trắc định kỳ 6 tháng/lần theo quy định chưa được các chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc. 14/36 cơ sở chưa thực hiện quan trắc 6 tháng đầu năm 2016. Trong 22 cơ sở thực hiện việc quan trắc này, thì chỉ 4 cơ sở đạt, 18 cơ sở còn lại đều có một số chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước thải vượt quy chuẩn cho phép, chưa đủ điều kiện được xả thải...

Về xã Sơn Tây, nơi có nhiều ý kiến phản ánh về các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung gây ô nhiễm môi trường, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Xuân Anh, thừa nhận: Trên địa bàn xã hiện có 7 trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô từ 600 - 1.200 con/lứa. Do không thực hiện đúng cam kết về môi trường, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối về tình trạng gây ô nhiễm từ các cơ sở này. Xã đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và mới đây nhất là phối hợp với phòng chức năng huyện lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện đầy đủ cam kết môi trường đối với một cơ sở...

Sau 1 tháng kiểm tra, đôn đốc thực hiện yêu cầu của UBND huyện, đến đầu tháng 9/2016, theo ông Nguyễn Trường Giang, các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn đã và đang khẩn trương tiến hành các hoạt động bổ sung, khắc phục những thiếu sót, yếu kém. Tình trạng trên đã có những cải thiện bước đầu. Qua kiểm tra cho thấy: 12/36 cơ sở đã có thủ tục về đất đai và 10 cơ sở đã xây dựng xong hồ sơ nộp về Phòng TN&MT huyện; 14 cơ sở chưa thực hiện xong thủ tục về đất đai. 9/36 cơ sở có kết quả giám sát môi trường định kỳ; 23/36 cơ sở kết quả giám sát môi trường định kỳ chất lượng nước thải một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép không đủ điều kiện thải ra môi trường; 5/36 cơ sở chưa có kết quả giám sát môi trường định kỳ; 4/36 cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý mùi sau chuồng nuôi; 1/36 cơ sở đã có giấy phép khai thác nguồn nước và xả thải vào nguồn nước, 35/36 cơ sở còn lại đang xây dựng hồ sơ.

Có mặt cùng cán bộ xã vào ngày đầu tháng 9 tại cơ sở nuôi của ông Nguyễn Trung Thành (Sơn Tây) - một trong 3 cơ sở trên địa bàn huyện đang bị tạm đình chỉ hoạt động chăn nuôi - chúng tôi chứng kiến gia đình đang thực hiện việc xuất lợn để tiến hành khắc phục những thiếu sót theo yêu cầu của UBND huyện. “Chỉ khi khắc phục xong bể biogas và các hạng mục công trình theo cam kết bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận quan trắc môi trường đảm bảo các thông số, báo cáo Phòng TN&MT kiểm tra, cho phép mới được tiếp tục hoạt động...”, một cán bộ xã cho biết.

Công tác kiểm tra, đôn đốc, khắc phục nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi lợn bền vững, hiệu quả theo hướng hàng hóa đang được Hương Sơn tập trung thực hiện với quyết tâm cao.

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.