Thủ tướng Israel đã ký thỏa thuận hòa bình với Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Bahrain tại Nhà Trắng dưới sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump. Với sự trung gian hòa giải của Mỹ, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Bahrain là nước Arab thứ 3 và thứ 4 bình thường hóa quan hệ với Israel kể từ khi nước này được Ai Cập và Jordan công nhận năm 1979 và 1994.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và ngoại trưởng Bahrain cùng ngoại trưởng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hôm 15/9. Ảnh: Getty.
Phát biểu trước lễ ký kết, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh:“Chúng ta có mặt tại buổi chiều ngày hôm nay nhằm làm thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đánh dấu một bình minh mới ở Trung Đông. Nhờ có sự can đảm của lãnh đạo 3 nước này, chúng ta đã có một bước tiến lớn hướng tới tương lai nơi người dân của mọi đức tin và nguồn gốc chung sống trong hòa bình và thịnh vượng.”
Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất Abdhulla bin Zayed Al Nahyan chia sẻ:“Hòa bình cần có lòng can đảm, việc hình thành tương lai cần có tri thức, việc thúc đẩy các nước cần sự chân thành và kiên trì. Chúng ta tụ họp ngày hôm nay để nói với thế giới rằng đây là cách tiếp cận của chúng ta và hòa bình là nguyên tắc dẫn đường. Những người bắt đầu một cách đúng đắn sẽ gặt hái được thành quả đáng tự hào.”
Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani cũng nhấn mạnh:“Hôm nay là một dịp lịch sử, một khoảng khắc của hy vọng và cơ hội cho toàn bộ người dân ở Trung Đông nói riêng và hàng triệu người thuộc thế hệ trẻ. Tuyên bố ủng hộ hòa bình giữa Vương quốc Bahrain và Israel là một bước lịch sử trên con đường dẫn tới hòa bình lâu dài và thực chất, an ninh và thịnh vượng trong toàn khu vực và cho người dân tại đây bất kể tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc và tư tưởng.”
Trong khi đó, Jared Kushner, cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump đồng thời là kiến trúc sư trưởng cho kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, cho biết:“Chúng ta có hai thỏa thuận hòa bình được ký tại Nhà Trắng giữa Israel và các nước Arab. Điều này là dấu hiệu chấm dứt xung đột giữa các nước Arab và Israel. Vẫn còn nhiều việc phải làm vì trong vòng 70 năm qua, các nước Arab trong khu vực không muốn quan hệ với Israel và điều này đã dẫn tới hận thù, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố trên toàn khu vực.
Nước Mỹ trong vòng 20 năm qua đã không quan tâm nhiều tới khu vực Trung Đông. Chúng ta đã triển khai hàng trăm nghìn binh sỹ tới Trung Đông. Có rất nhiều mối đe dọa đối với Mỹ từ Trung Đông, do đó việc mang lại hòa bình cho khu vực này sẽ giúp chúng ta tập trung hơn với các vấn đề trong nước và giảm rủi ro cho nước Mỹ cũng như đưa binh sỹ về nước, điều mà Tổng thống Trump đang thực hiện.”
Trong vòng 1 tháng qua, ngoài việc trung gian hòa giải các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, chính quyền Tổng thống Trump đã tạo điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo, tham gia đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, và thông báo giảm số binh sỹ Mỹ ở Iraq.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ đưa các quân nhân Mỹ về nước từ các cuộc xung đột kéo dài ở nước ngoài và nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột 19 năm ở Afghanistan là tâm điểm trong cam kết của ông Trump. Các thành quả liên tiếp trong chính sách đối ngoại được kỳ vọng sẽ là dấu ấn giúp ông Trump dành được sự ủng hộ của cử tri trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 2 tháng nữa là tới ngày tổng tuyển cử.