Nhà Trắng hôm 18/7 tuyên bố rằng cựu Thống đốc bang Utah của Mỹ, ông Jon Huntsman sẽ được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Nga.
Ông Huntsman. Ảnh: Getty. |
Động thái này kết thúc nhiều tháng trì hoãn trong việc chính thức chỉ định người làm Đại sứ Mỹ tại Nga trong bối cảnh quan hệ xấu đi giữa hai nước.
Hồi tháng 3, Nhà Trắng đã xác nhận lựa chọn cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Nga. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã trì hoàn việc chính thức nêu tên ông Huntsman và đã gửi việc đề cử của mình tới Thượng viện Mỹ để được thông qua, do Mỹ phải đợi điện Kremlin đồng ý với đề xuất của phía Mỹ.
Thúc đẩy quan hệ Nga-Mỹ?
Việc đề cử ông Huntsman vào vị trí này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ có dấu hiệu tan băng sau cuộc gặp trực diện giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức.
Việc đề cử Huntsman được công bố vào thời điểm một ngày sau khi Thứ trưởng Nga Sergei Ryabkov gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon.
Điện Kremlin đã phê chuẩn việc chỉ định ông Huntsman vào đêm 17/7, cùng thời điểm với việc Mỹ phê chuẩn chính trị gia Nga Anatoly Antonov làm Đại sứ Nga ở Washington, theo một nguồn tin giấu tên. Các đại sứ phải được chính phủ nước ngoài tương ứng phê chuẩn.
Nếu quyết định đề cử được chính thức thông qua, Huntsman sẽ tới Moscow trong bối cảnh Quốc hội Mỹ điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và các cáo buộc về mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump và Moscow.
Tổng thống Trump có cho biết, ông muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Hồi tháng 3, tin tức cho hay, khả năng Huntsman trở thành Đại sứ tại Nga đã được đón nhận với nhiều thái độ khác nhau ở Moscow. Một chính trị gia nói rằng Huntsmand “không phải là bồ câu”. Điện Kremlin thì nói rằng họ sẵn sàng đón chào bất cứ ai có đủ năng lực thiết lập đối thoại với nước Nga.
“Nhà ngoại giao xuất sắc”, nói được tiếng Hoa phổ thông
Văn phòng thư ký báo chí Nhà Trắng có viết như sau: “Thống đốc Jon Huntsman có một sự nghiệp xuất sắc trong vai trò chính trị gia, nhà ngoại giao và doanh nhân... Vai trò công vụ nổi bật của ông bao gồm giai đoạn làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và Singapore, Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Phó Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, và Phó Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Phái triển Thương mại”.
Thông cáo trên còn ca ngợi sự nghiệp của ông Huntsman trong khu vực tư nhân.
Có một chi tiết là, trong thông cáo của Nhà Trắng nói về ý đồ của ông Trump bổ nhiệm Huntsman làm Đại sứ tại Nga, có một chỗ có lỗi mo-rát viết nhầm tên riêng của ông là Jon thành John.
Huntsman, đảng viên Cộng hòa, là Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ năm 2009 tới năm 2011. Ông cũng làm Đại sứ Singapore từ năm 1992 tới năm 1993 dưới thời Tổng thống Mỹ George H.W. Bush. Ông từng ra tranh cử Tổng thống vào năm 2012. Ông Huntsman đã phục vụ chính quyền của 5 Tổng thống Mỹ.
Công ty mà gia đình của Huntsman sở hữu có lợi ích ở Nga và Huntsman đã từng sang Nga trên phương diện đó.
Tuy nhiên, Huntsman được nhiều người biết đến hơn vì sự am hiểu của ông đối với Trung Quốc. Ông nói được tiếng Quan thoại (tiếng phổ thông Trung Quốc). Hai vợ chồng ông còn nhận một bé gái Trung Quốc làm con nuôi.
Ông Huntsman từng được xem xét cho vị trí Ngoại trưởng của ông Trump.
Từng công kích ông Trump kịch liệt
Dẫu vậy, vị cựu thống đốc Utah này có mối quan hệ thăng trầm với ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016.
Ông Huntsman ban đầu không ủng hộ ông Trump ngay cho vị trí ứng viên của đảng Cộng hòa ra tranh cử. Đến khi một video năm 2005 được tung lên mạng vào năm 2016 trong đó ông Trump đưa ra những bình luận được coi là khiếm nhã về phụ nữ thì ông Huntsman đã lên tiếng chỉ trích gay gắt ông Trump, đồng thời kêu gọi ông Trump rút khỏi cuộc tranh cử Tổng thống. Khi ấy ông Huntsman đã đề xuất Mike Pence làm ứng viên của đảng Cộng hòa.
Ngược lại, ông Trump cũng công kích ông Huntsman trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Bắc Kinh. Trong một loạt đăng tải trên mạng xã hội Twitter, doanh nhân Trump đã gọi ông Huntsman là một người “yếu đuối”.
Thế nhưng, khi ông Trump “lên ngôi” Tổng thống Mỹ thì hai nhân vật này đã gác lại các khác biệt của mình và hợp tác với nhau.