Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045

(Baohatinh.vn) - Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Hà Tĩnh nhằm phát huy tiềm năng khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa kí ban hành Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 05/7/2024 về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Nguyễn Xuân Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên tạo việc làm cho hàng chục lao động vùng nông thôn.

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6-7%/năm; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020.

Duy trì và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, phấn đấu đến năm 2030 giá trị sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 1.800 tỷ đồng.

Tỷ lệ lao động trong khu vực ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề tăng lên từ 10-20%.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn ở Hà Tĩnh tiếp tục là hoạt động trọng tâm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế mang lại thu nhập cao và giải quyết việc làm, góp phần vào tăng trưởng chung của địa phương.

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương.

Định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn gồm các nhóm chính:

- Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản

- Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

- Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn

- Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ

- Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh

- Nhóm sản xuất muối

- Nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn

Chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây gió trầm ở xã Phúc Trạch (Hương Khê)

Ngoài ra, định hướng phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng tập trung vào các nội dung: Bảo tồn và phát triển làng nghề; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường .

Nhằm phát triển ngành nghề nông thôn địa bàn tỉnh, kế hoạch cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức lại sản xuất ngành nghề nông thôn; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường và hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề và hoàn thiện cơ chế chính sách.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung được nêu trong kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét theo quy định.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói