Kẹt kênh đào Suez: Ai Cập giảm tiền đòi đền bù với tàu Ever Given

Liên quan đến những thiệt hại và chi phí giải cứu tàu trong gần một tuần mắc kẹt tại kênh đào Suez, Ai Cập đã đòi chủ tàu Ever Given phải bồi thường 550 triệu USD.

Kẹt kênh đào Suez: Ai Cập giảm tiền đòi đền bù với tàu Ever Given

Tàu cứu hộ nỗ lực giải cứu tàu container Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez ở Ai Cập, ngày 26/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/5, Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) cho hay Ai Cập đã giảm số tiền đòi bồi thường đối với chủ tàu Ever Given liên quan đến những thiệt hại và chi phí giải cứu tàu trong gần một tuần mắc kẹt tại kênh đào Suez.

Số tiền được giảm xuống còn 550 triệu USD.

Hồi tháng Tư vừa qua, Ai Cập đã quyết định tạm giữ tàu Ever Given đồng thời yêu cầu chủ tàu này phải bồi thường 916 triệu USD cho những thiệt hại và chi phí giải cứu tàu.

Tàu này do một công ty Nhật Bản sở hữu, treo cờ Panama và do một công ty Đài Loan (Trung Quốc) vận hành. Tàu bị mắc cạn tại kênh đào Suez vào ngày 23/3, cắt đứt tuyến hàng hải quan trọng Á-Âu trong sáu ngày.

Người đứng đầu SCA Osama Rabie cho biết Ai Cập đã quyết định giảm số tiền đòi bồi thường xuống còn 550 triệu USD.

Theo ông Rabie, động thái này diễn ra sau khi chủ tàu Ever Given ước tính giá trị hàng hóa chở trên tàu này vào khoảng 775 triệu USD.

Theo số liệu của SCA, Ai Cập đã thiệt hại từ 12-15 triệu USD nguồn thu mỗi ngày do vụ việc trên. SCA cho biết thêm một nhân viên cứu hộ tham gia vụ giải cứu tàu đã thiệt mạng.

Hồi đầu tháng Năm, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã thông qua kế hoạch mở rộng kênh đào Suez nhằm tránh tái diễn sự cố tàu chắn ngang kênh đào./.

Theo Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.