Khắc phục tình trạng trường “rớt” chuẩn: Cái khó bó cái khôn!

(Baohatinh.vn) - Với nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vấn đề cơ sở vật chất (CSVC) vẫn đang là một nỗi lo. Tình trạng phòng học, phòng bộ môn còn thiếu và bị xuống cấp gây không ít khó khăn cho việc dạy và học, đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trường... “rớt” chuẩn!

Trường lớp xuống cấp, thiết bị thiếu thốn

Nằm trong vùng quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà), trong suốt một thời gian dài, CSVC của các trường thuộc vùng mỏ không được đầu tư, xây mới. Thầy và trò các trường thuộc 6 xã vùng mỏ sắt phải dạy và học trong điều kiện xuống cấp, chật chội, thiếu thốn đủ bề.

Trường THCS Lê Hồng Phong (Thạch Khê) được đánh giá là một trong những trường có CSVC tốt nhất trong các xã vùng mỏ, nhưng hiện nay cũng đang bị xuống cấp. Nhiều hạng mục đầu tư xây dựng từ lâu đã có dấu hiệu bong tróc, hư hỏng. Đặc biệt, hiện nay, trường vẫn chưa có hệ thống nhà chức năng, sân thể dục. Cùng chung tình cảnh ấy, Trường THCS Đỉnh - Bàn chưa có hệ thống phòng bộ môn, phòng chức năng. Theo thầy Trần Hậu Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù CSVC ngày càng xuống cấp nhưng không đủ kinh phí để tu sửa. Hàng năm, nhà trường vận động phụ huynh đóng góp để bổ sung các thiết bị dạy học đơn giản và tu sửa một số hạng mục nhỏ.

Khắc phục tình trạng trường “rớt” chuẩn: Cái khó bó cái khôn! ảnh 1

Để nâng cấp được cơ sở vật chất, thiết bị , góp phần nâng cao chất lượng dạy học các trường đều phải trông chờ vào dự án.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều trường đã xây dựng từ lâu nhưng không được đầu tư, nâng cấp. Nguồn kinh phí huy động từ phụ huynh quá ít so với nhu cầu, chỉ đủ để tu bổ một số hạng mục nhỏ. Ngoài ra, khi sáp nhập các trường, nguồn đầu tư xây dựng thêm trường lớp lại chưa có. Ông Hoàng Kim Thắng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) cho biết: “Sau khi tiến hành sáp nhập, trường THCS rơi vào tình cảnh thiếu 10 phòng học. Các phòng chức năng, phòng bộ môn, thí nghiệm đều chưa có, khiến cho việc dạy và học gặp nhiều khó khăn, bất cập”.

Không chỉ các trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả thành phố, Trường THCS Đại Nài (TP Hà Tĩnh) hiện đang phải dạy và học ở 2 cơ sở nên giáo viên khá vất vả trong việc sắp xếp lịch giảng và di chuyển giữa 2 điểm trường. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, ban giám hiệu nhà trường quyết định đóng cửa 4 phòng học và lấy phòng bộ môn để thay thế. Chính vì vậy, các giờ thực hành đều phải thực hiện ngay trên lớp, gây không ít khó khăn cho giáo viên và học sinh. Cô Nguyễn Thị Thu Thảo - giáo viên bộ môn Sinh - Hóa cho biết: “Do bàn học không phù hợp để thực hiện các tiết thực hành, việc chuẩn bị một giờ học như thế cũng tốn rất nhiều thời gian, trong khi khoảng cách giữa 2 tiết học chỉ có 5 phút nên rất khó sắp xếp. Đó là chưa nói đến vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hành môn Sinh học, Hóa học...”.

Khó khăn trong huy động nguồn lực

Trước đây, việc huy động nguồn lực để xây dựng CSVC trường lớp đã thực sự trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, CSVC ngày càng xuống cấp, tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn lại được nâng lên dẫn đến tình trạng “rớt” chuẩn.

Thầy Nguyễn Duy Ngọc - Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: “Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 59 trường “rớt” chuẩn (mầm non 9 trường, tiểu học 43 trường và THCS 7 trường)”. Mặc dù Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương và nhà trường đã có nhiều cuộc họp bàn để tìm cách tháo gỡ nhưng việc huy động nguồn lực vẫn còn nhiều khó khăn.

Khắc phục tình trạng trường “rớt” chuẩn: Cái khó bó cái khôn! ảnh 2

Nhiều phòng học của Trường THCS Đại Nài xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà) cho biết: “Hầu hết các trường tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc huy động học sinh đóng góp rất hạn chế bởi đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương dù rất quan tâm, nhưng ngân sách hạn hẹp nên chỉ hỗ trợ được một phần để tu sửa các hạng mục nhỏ”.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều địa phương, trường học chỉ biết trông chờ vào dự án. Cô Đặng Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Đại Nài chia sẻ: “Dù khó khăn nhưng thầy và trò chúng tôi vẫn luôn cố gắng giữ vững bề dày thành tích. Chỉ cần 1 dãy nhà 3 tầng với 15 phòng học nữa là trường có thể lấy lại bằng chuẩn. Chính quyền thành phố cũng đã có dự định cho khởi công dự án vào cuối tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Cùng nỗi niềm, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc Hoàng Kim Thắng cho biết: “Với 3 cấp học trên địa bàn (trong đó, trường tiểu học và THCS đã “rớt” chuẩn; trường mầm non chưa được công nhận đạt chuẩn), chúng tôi cũng chỉ biết kêu gọi và trông chờ vào dự án. Nhưng bao giờ có dự án thì cũng chưa biết”.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 445/722 trường đã được công nhận chuẩn quốc gia. Thế nhưng, với thực trạng CSVC trường lớp hiện nay, cùng sự thay đổi trong cách đánh giá đạt chuẩn, việc thực hiện tinh thần Nghị quyết 05 của tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đến năm 2015 và những năm tiếp theo, cụ thể là phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 85% trường học đạt chuẩn là điều không dễ.

Đọc thêm

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức. Nỗ lực của thầy và trò đã đơm hoa, kết trái bằng những thành tích ấn tượng trên mỗi sân chơi kiến thức.