Khai giảng cận kề, Hà Tĩnh vẫn thiếu hơn 1.200 giáo viên

(Baohatinh.vn) - Ngày khai giảng đã cận kề, nhưng nhiều trường học, đặc biệt là bậc tiểu học và mầm non trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn lúng túng với tình trạng thiếu giáo viên, trong đó có một số trường thiếu giáo viên đứng lớp.

Theo số liệu từ Sở Nội vụ, đến ngày 1/1/2017, căn cứ số trẻ, số nhóm/lớp hiện có và định mức 2 giáo viên/nhóm, lớp, toàn tỉnh hiện còn thiếu 866 giáo viên mầm non. Ở bậc tiểu học, nếu tính đủ tỷ lệ giáo viên/lớp dạy 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên, thì nhu cầu toàn tỉnh còn thiếu 383 người. Tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học xuất hiện hầu hết các địa bàn trên toàn tỉnh, trong đó thiếu trầm trọng nhất là thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc sắp xếp, bố trí giáo viên ở những nơi thiếu vẫn hết sức nan giải khiến ban giám hiệu nhiều trường như đang “ngồi trên lửa”.

khai giang can ke ha tinh van thieu hon 1 200 giao vien

Dù đã có sự " chia lửa" từ hệ thống trường mầm non tư thục, nhưng tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non vẫn "nóng"

Cô Bùi Thị Kim Giang - Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Lộc (Can Lộc) cho biết: “Do có 1 giáo viên về hưu, 1 giáo viên chuyển trường nên đến thời điểm hiện tại toàn trường chỉ còn 22 giáo viên/24 lớp (thiếu 2 giáo viên đứng lớp). Dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên phòng và huyện, nhưng đến thời điểm hiện tại vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Tạm thời chúng tôi phải tăng cường cả 2 hiệu phó ra đứng lớp”.

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại Trường Tiểu học Sơn Lộc khi nhà trường có 17 lớp ở 2 phân hiệu, nhưng chỉ có 16 giáo viên. Tính theo tỷ lệ giáo viên dạy 2 buổi/ngày, trường còn thiếu 4 giáo viên. Áp lực và căng thẳng sẽ là điều khó tránh khỏi đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cô Đặng Thị Loan - Hiệu trưởng nhà trường không dấu sự lo lắng: “Ngân sách huyện hỗ trợ cho trường tuyển giáo viên hợp đồng là một hệ số lương/tháng. Nhưng thực tế để hợp đồng được 1 giáo viên ít nhất mỗi tháng phải trả 2 triệu đồng, chúng tôi biết lấy đâu ra nguồn để bù số tiền còn lại. Hơn thế nữa, bây giờ việc tìm giáo viên hợp đồng cũng hết sức khó khăn. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thì chắc chắn phương án hiệu phó đứng lớp là điều không thể tránh”.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT Can Lộc, đến thời điểm hiện tại, so với nhu cầu, bậc mầm non thiếu 87 giáo viên và tiểu học là 39. Cũng trong tình trạng đó, Nghi Xuân hiện thiếu 13 giáo viên mầm non, 33 giáo viên tiểu học; Thạch Hà thiếu gần 70 giáo viên mầm non, hơn 20 giáo viên tiểu học; thành phố Hà Tĩnh thiếu 41 giáo viên tiểu học và 10 giáo viên mầm non; huyện Kỳ Anh thiếu 12 giáo viên mầm non, 28 giáo viên tiểu học…

Thầy Đinh Sỹ Quân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh cho biết: “Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, giải pháp của chúng tôi là căn cứ vào số lượng học sinh và giáo viên để khắc phục bằng cách tăng tiết, bù giờ.”

Tại bậc học mầm non, việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cũng được linh động bằng việc tăng số lượng học sinh/lớp, hoặc 3 cô phụ trách 2 lớp... Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài. Đó là chưa kể những trường hợp phát sinh như giáo viên ốm đau, nghỉ chế độ thai sản...

khai giang can ke ha tinh van thieu hon 1 200 giao vien

Sự thiếu hụt giáo viên sẽ ảnh hưởng lớp đến chất lượng giáo dục ở các trường

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng cho biết: “Để ổn định đội ngũ chuẩn bị cho năm học mới, thời gian qua ngành đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ hiện có bảo đảm theo đúng quy định và xem xét cho chủ trương tuyển bổ sung và phương án xã hội hoá để đảm bảo đội ngũ”.

Phương án tham mưu chỉ đạo là vậy, nhưng việc tuyển dụng bổ sung hay phương án xã hội hoá giáo viên không hề đơn giản. Theo thông tin mà chúng tôi được cung cấp, thời gian qua UBND một số địa phương cũng đã lập tờ trình đề nghị tỉnh cho tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản phản hồi. Bên cạnh đó, phương án xã hội hoá giáo viên cũng rất khó thực thi khi nguồn ngân sách của các trường không có, ngân sách địa phương hạn hẹp, việc thu từ phụ huynh là không thể thực hiện. Hơn nữa, để tìm giáo viên giỏi với mức lương từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng lại càng khó hơn.

Thiếu hụt giáo viên, ngành GD&ĐT đang mang nặng nỗi lo trước thềm năm học mới. Nếu không có giải pháp bổ sung kịp thời, thực trạng này không chỉ tạo áp lực cho các nhà trường và giáo viên giảng dạy mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.