Nhà khảo cổ Francesco Giancola đã có phát hiện đặc biệt này trong quá trình nhóm các nhà khảo cổ học tiến hành trùng tu một bức tường thời Trung cổ bị sập do mưa lớn vào năm 2013.
Đầu tượng bằng đá cẩm thạch 2.000 năm tuổi của Hoàng đế Augustus vừa được khai quật. Ảnh: CNN
Ông Giancola cho biết: “Trong khi chúng tôi đào sau bức tường, tôi thấy đất đổi màu. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đào một cách cẩn thận và đã phát hiện ra một khối đá cẩm thạch. Tôi ngay lập tức nhận ra đó là đầu tượng của Hoàng đế Augustus do mái tóc và hình dạng cũng như vết cắt của đôi mắt”.
Theo nhà khảo cổ học Maria Diletta Colombo thuộc Bộ Di sản Văn hóa Italia, đầu tượng có chiều cao khoảng 35cm, có thể có niên đại từ năm 20 trước Công nguyên đến năm 10 sau Công nguyên. Phần đầu này có thể đã bị tách ra khỏi bức tượng cao hơn 2m, cũng được làm từ đá cẩm thạch Lunigiana. Bức tượng này nhiều khả năng mô tả Hoàng đế Augustus Octavian hồi còn trẻ.
Bà Colombo cho biết “đây là một phát hiện rất quan trọng; song giới khảo cổ học chưa thể xác định tại sao đầu tượng của Hoàng đế Augustus lại ở khu vực đó. Đãng lẽ ra đầu tượng này phải được đặt ở trong một ngôi đền hay một khu vực nào đó dành riêng cho Hoàng gia”.
Thị trấn Isernia, được gọi là Aesernia trong thế giới cổ đại, là vùng đất của người Samnites, Italia. Sau đó, thị trấn này trở thành thuộc địa của La Mã. Tại vùng đất này, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều di tích khảo cổ, bao gồm cả những ngôi mộ thời trung cổ và các đồ tạo tác bằng đất nung… Mặc dù bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, song vùng đất này đã từng bước hồi sinh mạnh mẽ. Hiện nay, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá di sản để thu hút khách du lịch đến tham quan.
Augustus (63 trước Công nguyên - 14 sau Công nguyên) là Hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại. Augustus đã thay thế nền cộng hòa La Mã bằng một nền quân chủ hiệu quả. Ông đã tạo dựng nền tảng rất quan trọng để xây dựng một đế chế La Mã hùng mạnh, trải dài từ Vương quốc Anh đến Ai Cập.