Video: Tổ hợp tác Phát Đạt ở xã Hương Liên sản xuất nhút mít
Ở vùng quê này, hầu như nhà nào cũng trồng mít. Không chỉ là sản phẩm thu hoạch khi mít đã chín, quả mít còn được người dân chế biến thành nhiều sản phẩm ẩm thực khác nhau, trong đó, nhút mít là một sản phẩm truyền thống gắn liền với cuộc sống bao đời của người dân nơi đây. Trước đây, món ăn dân dã này là một trong những nguồn “lương thực” nuôi sống biết bao thế hệ người dân ở xã biên giới nghèo khó.
Ở xã Hương Liên, nhà nào cũng biết muối nhút mít, kỹ thuật muối cũng không quá phức tạp. Đầu tiên là chọn quả mít có tuổi vừa phải, không sâu bệnh, tốt nhất là giống mít ướt. Quả mít được gọt vỏ, rửa sạch, băm nhỏ đều và ngâm ngay vào nước muối pha nhạt (để không bị đóng mủ và làm giảm độ chát của mít).
Sau 30 phút ngâm trong nước muối, nguồn nguyên liệu chính này được vớt ra, để ráo sẽ giữ được màu trắng và mềm, dai. Tiếp đó, nguyên liệu được đưa vào vại sành, đằn đá ép kỹ cho ngấm muối rồi mới đưa ra chế biến cùng các loại nguyên liệu khác.
Lá đậu (bên phải) là một trong những gia vị chủ lực làm nên hương vị đặc trưng của nhút mít vùng miền núi Hương Liên.
Củ kiệu cũng là một gia vị đi kèm không thể thiếu. Củ kiệu ở đây thường có củ nhỏ, trắng và giòn hơn nhiều nơi khác, rất phù hợp để muối trộn với nhút mít.
Kèm đó là ớt...
... củ riềng...
... được cắt rất mỏng cùng với sả và một ít cà pháo... Tất cả các loại nguyên liệu đều được trồng quanh năm ở vườn hộ gia đình.
Nguyên liệu chính là mít được trộn đều với các loại gia vị theo tỷ lệ phù hợp. Theo đó, mỗi mẻ sản phẩm của chị em trong tổ hợp tác sản xuất gồm: 5 quả mít (khoảng 12 kg nguyên liệu) + 1 kg kiệu + 1 kg cà rốt + 1 kg riềng + 1/2 kg sả + 1/2 kg ớt cay + 1 kg muối...
Từ món ăn truyền thống để sử dụng trong bữa ăn gia đình và làm quà biếu, nhút mít đang trở thành sản phẩm hàng hóa kể từ khi Tổ hợp tác Phát Đạt với 8 thành viên là chị em hội viên Hội LHPN xã Hương Liên ở các thôn 1, 2, 5 được thành lập.
Các thành viên của THT phần lớn có việc làm không ổn định, cuộc sống nhiều khó khăn. Chị Trần Thị Hoan (trong ảnh) ở thôn 1 cho biết, thiếu đất trồng lúa, sức khỏe lại yếu nên không đi bóc vỏ keo thuê được, cuộc sống vì vậy còn thiếu thốn. Khi Hội LHPN xã thành lập tổ hợp tác sản xuất nhút mít và thông tin kêu gọi bà con tham gia, chị mừng lắm, đăng ký tham gia ngay để mong có việc làm và thu nhập ổn định.
Thành phẩm được đóng vào hộp với trọng lượng 1,4 kg/hộp, được dán nhãn thương hiệu Nhút Hương Liên
Để hỗ trợ chị em trong giai đoạn đầu thành lập, Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Thị Hường (bên trái) cùng tham gia làm thành viên của Tổ hợp tác Phát Đạt để song hành động viên, hỗ trợ chị em. Cùng đó, Hội LHPN huyện, lãnh đạo xã Hương Liên cũng quan tâm, tích cực đồng hành hỗ trợ chị em trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Mặc dù ra đời chưa lâu nhưng sản phẩm “Nhút mít Hương Liên” hiện đã đến được với nhiều khách hàng trong và ngoài huyện, đặc biệt là người tiêu dùng ở TP Hà Tĩnh. Theo chị Nguyễn Thị Sửu - Tổ trưởng Tổ hợp tác Phát Đạt, nhiều con em xa quê ở trong Nam, ngoài Bắc khi biết sản phẩm quê hương đang trở thành hàng hóa đã gọi điện, đặt hàng, tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh nên đang khó khăn về giao thương. Sau 2 tháng sản xuất, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ được hơn 150 hộp sản phẩm (mỗi hộp có giá bán 45.000 đồng).