Cùng dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Cơ quan dự báo khí tượng Hà Tĩnh có thể theo dõi dự báo của các quốc gia khác như: Mỹ, Nhật Bản… để tham khảo.
Để chủ động trong việc ứng phó có hiệu quả với áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, các cơ quan có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ, nhất là ở các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Chính quyền các địa phương phối hợp với các lực lượng vũ trang, đơn vị liên quan thông tin, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, chủ động cấm biển; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại bến.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Báo NNVN)
Kiểm tra, vận hành an toàn đối với các hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu, đề phòng xảy ra mưa lớn cục bộ; các công trình đang thi công, nhất là các công trình trên sông, ven biển. Tổ chức trực ban 24/24, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão để chủ động phòng tránh.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, khẩn trương vào nơi tránh trú gần nhất hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10 để có phương án ứng phó hiệu quả; cử các đơn vị, đoàn thể xã hội phối hợp giúp đỡ những hộ dân vừa xây dựng nhà tạm chưa đảm bảo an toàn do hậu quả bão số 10 gây ra; cảnh báo vùng lũ quét, kiểm soát an toàn trước 17 giờ ngày 9/10; tính toán phương án an toàn các hồ đập trên địa bàn; xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
Hồi 13 giờ chiều nay 9/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành ATNĐ. Đến 13 giờ ngày 10/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt -Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Do ảnh hưởng của ATNĐ sau có khả năng mạnh lên thành bão, chiều và đêm nay ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113 độ Kinh Đông. Cảnh báo gió mạnh trên biển: Từ chiều nay (09/10), vùng biển Hà Tĩnh gió mạnh dần lên cấp 6 - cấp 7, giật cấp 8. Biền động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Gần sáng mai, khu vực ven biển có gió mạnh lên cấp 6, giật cấp 8. Cảnh báo mưa lớn trên đất liền: Từ đêm nay (09/10) đến ngày 11/10, ở các khu vực tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa đợt phổ biến: 150 - 300mm, có nơi trên 300mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2 - 3. |